Theo Đề án "Nâng cao sức khỏe đất và quản lý dinh dưỡng cây trồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050" vừa được Bộ NN&PTNT thông qua (Số 3458/QĐ-BNN-BVTV ngày 11 tháng 10 năm 2024), chất lượng đất nông nghiệp ở nước ta đã ở mức báo động, sức khỏe đất đã đến mức suy kiệt. Tùy đặc trưng từng vùng canh tác khác nhau, các hiện tượng có thể kể đến như: hàm lượng hữu cơ và các nguyên tố dinh dưỡng đa lượng ở mức nghèo kiệt trên các vùng đồi núi, đất dốc tại miền núi phía Bắc; hàm lượng C hữu cơ trong đất bị suy giảm đáng kể, đất bị chai cứng, mất kết cấu, dung tích hấp thu giảm, ảnh hưởng bởi các nguồn ô nhiễm do tác động xả thải từ các làng nghề, khu công nghiệp ở đất canh tác vùng đồng bằng sông Hồng; đất sản xuất lúa vùng đồng bằng sông Cửu Long bị suy giảm độ phì nhiêu do canh tác độc canh 3 vụ lúa/năm trong thời gian lâu dài, đất bị bạc màu, mất cân đối dinh dưỡng, đặc biệt là chất hữu cơ… Cùng với tình hình biến đổi khí hậu phức tạp hiện nay, nếu không có biện pháp quản lý và khắc phục kịp thời sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp và an ninh lương thực trong tương lai. Việc nghiêm túc đánh giá hiện trạng và định hướng quản lý chất lượng/sức khỏe đất hướng tới sản xuất trồng trọt bền vững rất cấp thiết, có nhiều ý nghĩa trong giai đoạn hiện nay.

leftcenterrightdel
Hình 1. Một số hình ảnh về thoái hóa và xói mòn đất tại Việt Nam
 Hình 1. Một số hình ảnh về thoái hóa và xói mòn đất tại Việt Nam
Khoa học đất là nghiên cứu khoa học về các đặc tính, sự hình thành, phân bố và chuyển hóa của đất. Đất là hỗn hợp phức tạp của khoáng chất, chất hữu cơ, khí, chất lỏng và sinh vật sống, là nguồn tài nguyên thiên nhiên thiết yếu hỗ trợ sự sống trên trái đất (Pino, 2023). Sự hiểu biết về các đặc tính của đất có thể được sử dụng để quản lý sản xuất nông nghiệp tối ưu, quản lý rừng, đồng cỏ và đất ngập nước, sử dụng đất đô thị, xử lý và quản lý chất thải, và cải tạo các địa điểm bị xáo trộn nghiêm trọng, chẳng hạn như mỏ. Theo Soil Science Society of America, khoa học đất giải quyết vấn đề quản lý chất dinh dưỡng, nông nghiệp bền vững, chu trình sinh địa hóa toàn cầu và biến đổi khí hậu, cấu trúc và chức năng của hệ sinh thái, hoặc xử lý và quản lý chất thải hạt nhân, trong số nhiều vấn đề khác.

Ngành Khoa học đất lý giải mối quan hệ biện chứng giữa các quá trình trong đất - nước - phân bón và cây trồng, từ đó đưa ra những kết luận, đề xuất những giải pháp sử dụng, bảo vệ và cải tạo đất hợp lý phục vụ cho sản xuất nông nghiệp hiệu quả và bền vững. Kiến thức chuyên sâu về Khoa học đất và môi trường đất theo hướng sử dụng hợp lý tài nguyên cho sự phát triển nông lâm nghiệp và môi trường trên quan điểm sinh thái học và phát triển bền vững; quy hoạch sử dụng đất đai, đánh giá tác động của các quá trình sử dụng đến tài nguyên và môi trường đất (Usman và cs., 2018).

Sau khi học ngành Khoa học đất, người học có mức độ hiểu biết sâu về môi trường đất bao gồm hình thái đất và các yếu tố hình thành đất, hóa học đất, vật lý đất, sinh học đất, phân tích đất, nước và một số lĩnh vực khác liên quan đến đất, sử dụng, quản lý đất, quản lý môi trường và công nghệ. Các nhà khoa học đất có khả năng nghiên cứu các quá trình sinh địa hóa và vật lý của đất, lập bản đồ các đặc điểm của đất và hướng dẫn về các quá trình của đất. Các nhà khoa học đất có thể thực hiện khảo sát đất, lập kế hoạch sử dụng đất, tiến hành đánh giá địa điểm cho các hệ thống tự hoại hoặc cơ sở nước mưa, kiểm tra chức năng và sức khỏe của đất, xác định các phương pháp sản xuất lương thực tối ưu, phát triển các chiến lược giảm thiểu biến đổi khí hậu và phát triển các phương pháp tiếp cận mới để quản lý nước sạch và tài nguyên ở nhiều quy mô không gian.

leftcenterrightdel
Hình 2. Một số hình ảnh về hoạt động nghiên cứu khoa học ngành KHĐ
 Hình 2. Một số hình ảnh về hoạt động nghiên cứu khoa học ngành KHĐ
Với các kiến thức được tiếp thu một cách đa dạng và sâu sắc, sinh viên/học viên sau khi tốt nghiệp ngành Khoa học đất có thể làm việc tại các vị trí: Cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước (Bộ/Sở/Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ/Sở/Phòng Tài nguyên và Môi trường…); Giảng viên, nghiên cứu viên tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, các viện trung tâm và trạm/trại thí nghiệm nghiên cứu trong lĩnh vực đất đai, dinh dưỡng cây trồng và trồng trọt…; Cán bộ kỹ thuật, kinh doanh làm việc trong các doanh nghiệp, trung tâm, viện (công ty kinh doanh và sản xuất phân bón, công ty về môi trường, viện nghiên cứu chuyên ngành thổ nhưỡng, khoa học đất, phòng phân tích đất và môi trường…); Làm chủ doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGap, GlobGap, nông nghiệp hữu cơ; doanh nghiệp sản xuất phân bón cho cây trồng…

Với nhu cầu thiết thực của nền nông nghiệp hiện nay và vốn kiến thức cũng như kỹ năng của nhân lực được đào tạo ngành Khoa học đất, vai trò của ngành Khoa học đất ngày càng được củng cố và nâng cao.

Thông tin tuyển sinh ngành Khoa học đất tại Khoa Tài nguyên và Môi trường – Học viện Nông ngiệp Việt Nam.

Mã trường

nhóm ngành

Tổ hợp tuyển sinh

Phương thức xét tuyển

HVN

HVN03

1. Toán, Hóa học, Sinh học

2. Toán, Hóa học, Vật lý

3. Toán, Hóa học, Tiếng Anh

4. Toán, Vật lý, Tiếng Anh

5. Toán, Vật lý, Công nghệ

6. Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh

7. Toán, Ngữ văn, Lịch sử

8. Toán, Ngữ văn, Địa lý

9. Toán, Ngữ văn, GDKT&PL

– Xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển

– Xét tuyển thẳng học sinh giỏi THPT và có thành tích vượt trội

– Xét dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT 2025

– Xét học bạ

THÔNG TIN LIÊN HỆ

Để được tư vấn đầy đủ về thông tin tuyển sinh năm 2025, liên hệ với số điện thoại: 024.6261.7578 hoặc 0961.926.639 / 0961.926.939

Địa chỉ liên hệ: Học viện Nông nghiệp Việt Nam; Thị trấn Trâu Quỳ, Huyện Gia Lâm, Thành phố Hà Nội.

Website: www.vnua.edu.vnhttp://tuyensinh.vnua.edu.vn

Facebook: https://www.facebook.com/tuyensinhvnua.edu.vn

                                                     Bộ môn Khoa học Đất và Dinh dưỡng cây trồng- Khoa Tài nguyên và Môi trường

                                                                                                                                    Học viện Nông nghiệp Việt Nam