Ngày 09/05/2019, tại phòng họp Khoa, Bộ môn hệ thống thông tin đất đã tổ chức buổi seminar nghiên cứu khoa học với những nghiên cứu thuộc thế mạnh của Bộ môn. Tham dự seminar có sự tham gia của đông đảo cán bộ trong Khoa.
Với nghiên cứu "So sánh các phương pháp nội suy không gian để xây dựng mô hình số độ cao độ phân giải 1m" Ths Đoàn Thanh Thủy đã sử dụng các phương pháp nội suy IDW, Spline, Trend và Kriging để xây dựng mô hình số độ cao độ phân giải 1m cho một số nương trồng sắn trên địa bàn xã Mậu Đông, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái. Nguồn dữ liệu đầu vào cho nghiên cứu này bao gồm 2929 điểm đo cao từ máy toàn đạc điện tử phân bố đều trên khu vực nghiên cứu, được chia làm 2 bộ dữ liệu: (1) Bộ dữ liệu đầu vào gồm 2700 điểm và (2) Bộ dữ liệu kiểm tra bao gồm 229 điểm. Sau quá trình nội suy, so sánh giá trị độ cao được nội suy với giá trị độ cao đo được tại bộ dữ liệu kiểm tra và tính toán sai số tuyệt đối trung bình (MAE), sai số bình phương trung bình gốc (RMSE), hệ số tương quan R2. Kết quả nghiên cứu cho thấy, phương pháp nội suy Kriging cho sai số nội suy độ cao thấp nhất 0.1052m, tiếp theo là Spline và IDW (lần lượt là 0.134m và 0.1952m). Như vậy, phương pháp nội suy Kriging, IDW và Spline phù hợp xây dựng mô hình số độ cao độ phân giải 1m ở cấp độ thửa đất.
“Ứng dụng phương pháp nội suy không gian xây dựng bản đồ ngập lụt” TS.Phạm Quý Giang trình bày đã giới thiệu tổng quan về các phương pháp nội suy không gian và các ứng dụng của phương pháp nội suy không gian trong lĩnh vực quản lý tài nguyên và môi trường cũng như các hướng ứng dụng mới của phương pháp nội suy. Báo cáo cũng đã giới thiệu quy trình xây dựng bản đồ ngập lụt bằng phương pháp nội suy dựa vào dữ liệu vết lũ, từ đó xác định diện tích ngập lụt, độ sâu ngập lụt đối với từng loại hình sử dụng đất với case study là huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Kết quả nghiên cứu cho thấy phương pháp nội suy đạt độ chính xác cao, kết quả nghiên cứu có thể được ứng dụng vào tính toán giá trị thiệt hại do ngập lụt gây ra đối với cơ sở hạ tầng và sản xuất nông nghiệp. Để nâng cao độ chính xác về mặt không gian cũng như thời gian của phương pháp nội suy trong xây dựng bản đồ ngập lụt, báo cáo đề xuất sử dụng phương pháp nội suy kết hợp với dữ liệu từ mô hình thủy văn và dữ liệu viễn thám đa thời gian.
PGS.TS. Lê Thị Giang trình bày nghiên cứu” Xác định hàm lượng chất lơ lửng trong nước mặt từ tư liệu viễn thám, Thử nghiệm trên sông Hồng tại thành phố Hà Nội, Việt Nam” đề tài Nghiên cứu về việc xác định nồng độ trầm tích lơ lửng trong nước mặt từ tư liệu ảnh viễn thám trên sông Hồng tại thành phố Hà Nội, Việt Nam.Nghiên cứu đã sử dụng ảnh VNREDSat-1A được chụp vào mùa khô (tháng 12/2017) với 4 kênh phổ (Blue, Green, Red và Cận hồng ngoại) cùng với 15 mẫu nước được thu thập cùng mùa khô và được phân tích theo tiêu chuẩn. Nghiên cứu đã đưa ra được mô hình nói lên sự tồn tại một mối quan hệ có ý nghĩa giữa phản xạ phổ bề mặt của ảnh viễn thám và nồng độ các chất lơ lửng trong nước trên sông Hồng, Hà nội với hệ số R2 là 0.909. Như vậy việc sử dụng ảnh viễn thám rất hữu ích trong việc thiết lập một phương pháp hiệu quả về chi phí và thời gian để theo dõi thường xuyên của nước mặt. Đây là một nguồn thông tin quan trọng cho các nhà quản lý trong việc đánh giá, giám sát và sử dụng bền vững tài nguyên nước mặt.
ThS Nguyễn Đức Thuận trình bày nghiên cứu khoa học về” Ước tính sinh khối trên bề mặt tán rừng Vườn Quốc Gia Ba Vì bằng ảnh viễn thám quang học của vệ tinh Sentinel-2A”. Ba chỉ số nghiên cứu về thực vật được sử dụng trong nghiên cứu này bao gồm chỉ số khác biệt thực vật (NDVI), chỉ số diện tích lá (LAI) và hệ số hiệu suất quang hợp (FAPAR). Việc ước tính sinh khối sẽ được tính toán thông qua chỉ số LAI, quá trình thực nghiệm cho thấy mối quan hệ chặt chẽ giữa NDVI, LAI và FAPAR, trong đó chỉ số NDVI giữ một vai trò quan trọng trong ước tính sinh khối bề mặt tán rừng.
Các nghiên cứu trình bày tại seminar đã được các đại biểu tham dự thảo luận sổi nổi và đưa ra các góp ý để các tác giả tiếp tục phát triển các hướng nghiên cứu này nhằm đạt được kết quả tốt nhất, ứng dụng nghiên cứu vào thực tiễn hiệu quả .
MỘT SỐ HÌNH ẢNH TẠI BUỔI SEMINAR