Chiều ngày 22/3/2019, khoa Môi Trường tổ chức Seminar quốc tế về nghiên cứu áp dụng công nghệ Fenton sinh học xử lý các chất ô nhiễm hữu cơ như thuốc kháng sinh, PPCP, chất gây rối loạn nội tiết và các hợp chất POP. GS. Sakakibara – đại học Waseda, Tokyo, Nhật Bản trực tiếp trình bày và thảo luận.

Tham dự hội thảo có sự góp mặt của PGS.TS Ngô Thế Ân – trưởng khoa Môi Trường, các giảng viên, thành viên thuộc nhóm nghiên cứu mạnh Quản lý tài nguyên môi trường.  Buổi seminar diễn ra rất sôi nổi nhằm chia sẻ và thảo luận về các kết quả nghiên cứu, đưa ra các ý kiến mới về hướng nghiên cứu của đề tài.

GS. Sakakibara đã trình bày về việc nghiên cứu sử dụng các loại thực vật có khả năng sản sinh ra một lượng hydrogen peroxide cao kết hợp với xúc tác sắt nhằm loại bỏ hoặc giảm thiểu độc tính của chất ô nhiễm. Đánh giá từ các nghiên cứu đối với thực vật ở vùng nhiệt đới, hàm lượng H2O2 cao hơn nhiều lần so với vùng ôn đới nên đây là một tiêu chí để lựa chọn công nghệ. Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu sử dụng các thực vật như cỏ vetiver và cỏ nến có sức sống cao, tính chống chịu với độc chất và xúc tác sẽ cho hiệu quả xử lý cao trong nhiều điều kiện bất lợi.

TS. Võ Hữu Công cũng chia sẻ một số kết quả ban đầu về xử lý tồn dự bảo vệ thực vật quy mô thí nghiệm tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam sử dụng cỏ vetiver và xúc tác sắt từ Fe3O4. Nghiên cứu bước đầu cho thấy vetiver có khả năng sinh trưởng và phát triển trong điều kiện đất ô nhiễm mà không cần bổ sung dinh dưỡng.

Kết quả nghiên cứu bước đầu của nhóm nghiên cứu về sử dụng thực vật xử lý các chất ô nhiễm hữu cơ có nhiều triển vọng mở rộng trên toàn quốc.

 

GS. Sakakibara Đại học Waseda, Tokyo trình bày kết quả nghiên cứu tại hội thảo

Hình ảnh: GS. Sakakibara – Đại học Waseda, Tokyo, Nhật Bản trao đổi và trình bày seminar

                      pcc