Sáng ngày 17/12/2024 nhóm NCM Đất, Nước và Dinh dưỡng cây trồng, Khoa Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức buổi Seminar khoa học với bài trình bày của TS. Luyện Hữu Cử với đề tài: “Nghiên cứu một số tính chất vật lý của đất xám vùng đồi gò huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang”.

Tính chất vật lý của đất có ảnh hưởng đến việc định hướng sử dụng đất, quyết định các hệ thống cây trồng. Ngược lại, các Loại sử dụng đất khác nhau sẽ ảnh hưởng đến tình trạng chất hữu cơ trong đất và mật độ thảm thực vật che phủ đất, qua đó sẽ có tác động đến các tính chất vật lý đất như: dung trọng, tỷ trọng, độ xốp, độ ẩm đất,... Đặc biệt, trên các vùng đất đồi gò có mật độ thảm thực vật che phủ thấp thì quá trình khoáng hóa nhanh dẫn đến suy giảm số lượng hữu cơ, cùng với quá trình rửa trôi các cation kiềm và kiềm thổ, một phần chất hữu cơ, các keo sét,... làm đất bị chua hóa, nghèo dinh dưỡng, tính chất vật lý đất kém, gây suy giảm khả năng sản xuất của đất. Huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang thuộc vùng trung du miền núi phía Bắc có diện tích đất xám chiếm gần 70% diện tích đất nông nghiệp, trong đó diện tích vùng đồi gò khá lớn, nguồn thu nhập chủ yếu của huyện vẫn dựa vào sản xuất nông - lâm nghiệp. Để việc sử dụng đất nông nghiệp có hiệu quả và bền vững thì việc nghiên cứu một số tính chất vật lý của đất xám vùng đồi gò ở huyện Lạng Giang là cần thiết, góp phần đưa ra các giải pháp sử dụng đất hợp lý, vừa đạt hiệu quả kinh tế, vừa bảo vệ đất, bảo vệ môi trường sinh thái.

Nghiên cứu cho thấy: Trên đất xám ở vùng đồi gò huyện Lạng Giang có 4 Loại sử dụng đất chủ yếu là chuyên màu, lúa - màu, trồng cây ăn quả và rừng sản xuất. Đất có thành phần cơ giới từ thịt pha cát đến thịt pha sét, chất hữu cơ (OM%) từ nghèo (1,90%) trên Loại sử dụng đất trồng cây ăn quả đến trung bình (3,89%) trên Loại sử dụng đất trồng rừng sản xuất. Đất tầng mặt có trị số dung trọng và tỷ trọng nhỏ, tương ứng từ 1,00 - 1,18 g/cm3 và từ 2,39 - 2,62. Dung trọng và tỷ trọng của đất rừng sản xuất là nhỏ nhất, tương ứng từ 1,00 - 1,02 g/cm3 và 2,34 - 2,39; đất trồng cây ăn quả có trị số dung trọng và tỷ trọng lớn nhất, tương ứng từ 1,23 - 1,32 g/cm3 và 2,54 - 2,78. Độ xốp của đất từ ít xốp đến khá xốp biến động từ 35,00% - 58,16%, độ xốp của đất giảm dần theo hướng từ đất trồng rừng sản xuất đến chuyên màu, lúa - màu và cây ăn quả. Đất có độ ẩm cây héo thấp, dao động trong khoảng 6,95% - 8,94%; sức chứa ẩm đồng ruộng tối đa không cao, dao động trong khoảng 24,48% - 28,69%, đất có sức giữ nước thấp. Độ ẩm hữu hiệu cao nhất trên đất chuyên màu (20,17%), đất trồng rừng sản xuất (20,12%) và thấp nhất trên đất trồng cây ăn quả (16,60%).

Các biện pháp nhằm cải thiện tính chất vật lý của đất xám vùng đồi gò huyện Lạng Giang là: Tăng cường hàm lượng chất hữu cơ trong đất, bón phân hữu cơ cho đất; trồng cây bảo vệ đất chống xói mòn, rửa trôi; giữ ẩm cho đất bằng các biện pháp che phủ đất.

leftcenterrightdel
TS. Luyện Hữu Cử trình bày nghiên cứu 

                                                                                                          TS. Luyện Hữu Cử

                                                                                           Nhóm NCM Đất, Nước và Dinh dưỡng cây trồng