Ngày 24 tháng 8 năm 2020, tại phòng họp khoa Quản lý đất đai nhóm nghiên cứu mạnh “Quản lý tổng hợp tài nguyên đất, nước, dinh dưỡng cây trồng" đã tổ chức  buổi seminar khoa học với 3 chuyên đề

Chuyên đề 1  "Đánh giá hiện trạng đất trồng lúa nước và cấp nước tưới vùng đồng bằng sông Hồng" do  TS Ngô Thị Dung đã trình bày. ĐBSH là vùng có diện tích đất lúa lớn thứ 3 cả nước sau vùng ĐBSCL, vùng Bắc trung bộ và Duyên hải miền Trung. Lúa được gieo trồng 2 vụ chính là vụ xuân và vụ mùa. Năm 2018 toàn vùng có diện tích 588.357 ha đất trồng lúa, chiếm 15,04% diện tích đất lúa cả nước. Trong giai đoạn 2010 - 2018 diện tích đất lúa giảm 31.589 ha. Diện tích gieo trồng lúa năm 2018 của toàn vùng là 1.040.700 ha, năng suất lúa bình quân đạt 56,8 tạ/ha, đứng thứ hai trong cả nước. Nghiên cứu cũng chỉ rõ, mực nước các hệ thống sông vùng ĐBSH vào mùa kiệt giảm thấp (<1,4 m), khả năng cung cấp nước rất hạn chế và gặp nhiều khó khăn. Lượng nước cung cấp tưới đổ ải vụ Đông Xuân được xả từ các hồ chứa thủy điện. Tuy nhiên điều này sẽ gây ảnh hưởng tới vận hành hồ chứa phục vụ phát điện trong các tháng cuối mùa kiệt.

 

 
leftcenterrightdel
TS. Ngô Thị Dung trình bày nghiên cứu 

 

Chuyên đề 2 “Đánh giá hiện trạng và phân vùng chất lượng nguồn nước tưới trên các hệ thống thủy lợi vùng đồng bằng sông Hồng” do Ths. Nguyễn Thị Giang trình bày. Trong nghiên cứu này tập trung đánh giá 05 hệ thống thủy lợi phục vụ cấp thoát nước chủ yếu cho vùng ĐBSH. Hệ thống thủy lợi sông Nhuệ là hệ thống thủy lợi liên tỉnh trên địa phận Hà Nội và Hà Nam, chất lượng nước của sông Nhuệ biến đổi theo từng năm, có xu hướng ngày càng giảm do có nhiều nguồn nước thải lớn đổ vào hệ thống. Khu vực ô nhiễm nặng nhất trên dòng chính sông Nhuệ là từ sau cống Hà Đông về hạ du, các kênh nhánh La Khê, Vân Đình, Ngoại Độ, Duy Tiên. Hệ thống Bắc Hưng Hải, địa phương bị ảnh hưởng ô nhiễm nước sông, kênh nặng nhất là huyện Gia Lâm và quận Long Biên của Hà Nội với 20/26 xã bị ô nhiễm nghiêm trọng và rất nghiêm trọng. Tỉnh Hưng Yên với khoảng 106/161 xã bị ảnh hưởng và tập trung chủ yếu ở huyện Mỹ Hào, Văn Lâm, Khoái Châu, Yên Mỹ. Chất lượng nước cấp trong HTTL Bắc Nam Hà có diễn biến rất phức tạp, đa phần đều xảy ra hiện tượng ô nhiễm của các chất hữu cơ, vi sinh, hàm lượng các chất ô nhiễm đều cao hơn nhiều lần so với tiêu chuẩn cho phép dùng cho mục đích sử dụng tưới, điển hình ở các vị trí: Cống Hữu Bị, Cống Cốc Thành, Cống sông Chanh, Quán Chuột, Đập Vùa (CG12), Cầu Chủ (sông Châu Giang), Cầu Giành (sông Tiên Hương) và Kênh Gia. Hệ thống thủy lợi Bắc Đuống, chất lượng nước đang trong tình trạng bị suy thoái nghiêm trọng, mức độ ô nhiễm tập trung tại nhiều vị trí trên sông Ngũ Huyện Khê và một số vị trí trên hệ thống kênh mương. Hệ thống thủy lợi An Kim Hải trong những năm gần đây mức độ ô nhiễm trong nước của hệ thống kênh An Kim Hải tăng dần về phía cuối kênh, chủ yếu là các kênh nhánh thuộc hệ thống An Kim Hải đi qua các làng nghề sản xuất nhỏ, khu công nghiệp và dân cư trong các xã như kênh Hoàng Lâu, kênh Tân Tiến.

 

leftcenterrightdel
 ThS. Nguyễn Thị Giang trình bày nghiên cứu

 

ThS. Vũ Thị Xuân đã trình bày chuyên đề 3 "Đánh giá hiện trạng trồng bưởi tại huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội". Bưởi Diễn là một trong bốn cây trồng chủ lực nằm trong đề án Phát triển cây ăn quả đặc sản của Hà Nội. Hiện nay, Hà Nội đã và đang hình thành một số vùng trồng bưởi Diễn tập trung tại các huyện Chương Mỹ, Đan Phượng, Hoài Đức. Năm 2019, tổng diện tích trồng bưởi của huyện Chương Mỹ là 628,1 ha chiếm  25,72% tổng diện tích trồng bưởi của toàn thành phố Hà Nội, trong đó diện tích bưởi đã cho thu hoạch là 362,6 ha, phân bố tập trung ở các xã/thị trấn như: xã Nam Phương Tiến, xã Trần Phú, xã Tân Tiến, xã Văn Võ và  Thị trấn Xuân Mai. Năng suất của cây bưởi Diễn phụ thuộc vào tuổi cây, kỹ thuật canh tác và yếu tố ngoại cảnh. Nhóm cây từ 10 - 15 năm tuổi có năng suất cây trung bình từ 20 - 30 kg/cây; nhóm cây từ 15 - 25 năm tuổi có năng suất cây trung bình từ 45 - 65 kg/cây; nhóm cây trên 25 năm tuổi có năng suất cây trung bình từ 70 - 85 kg/cây. Việc sử dụng phân bón cho cây bưởi chưa cân đối, lân và kali đều cao hơn so với khuyến cáo, đặc biệt là kali gấp hơn 2 lần.

leftcenterrightdel
Ths. Vũ Thị Xuân trình bày nghiên cứu  

 

Tại buổi seminar khoa học của nhóm NCM, các tác giả đã nhận được nhiều góp ý để tiếp tục phát triển các hướng nghiên cứu nhằm đưa ứng dụng vào thực tiễn đạt hiệu quả cao.