Ngày 16/5/2019 Bộ môn Hệ thống thông tin đất đã tổ chức seminar khoa học về các ứng dụng tin học trong lĩnh vực đất đai với sự tham gia của các thành viên nhóm nghiên cứu mạnh và các thầy/cô thuộc bộ môn Hệ thống thông tin đất đai.

Nghiên cứu “Ứng dụng WebGIS trong quản lý đất đai” do Ths Đỗ Thị Loan trình bày sử dụng các phần mềm mã nguồn mở GeoServer, OpenLayer kết hợp với hệ quản trị CSDL PostgreSQL/PostGIS, phần mềm QGIS xây dựng thành công WebGIS cung cấp thông tin đất đai trên địa bàn huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội. CSDL đất đai được thiết kế và xây dựng thành các lớp dữ liệu dưới định dạng shape file, được quản lý trên hệ quản trị PostgreSQL/PostGIS và đưa lên hệ thống GeoServer; tạo style hiển thị cho các lớp dữ liệu bằng phần mềm QGIS; cuối cùng lập trình và thiết kế WebGIS với thư viện mã nguồn mở OpenLayer và ngôn ngữ lập trình PHP, Javascript, HTML trên phần mềm Sublime Text. Với kết quả đạt được cho thấy, việc ứng dụng WebGIS vào lĩnh vực quản lý đất đai nói chung và lĩnh vực cung cấp thông tin đất đai nói riêng sẽ giúp đổi mới, nâng cao hiện quả công tác quản lý, WebGIS mã nguồn mở (GeoServer) có hiệu quả khá cao trong việc đưa dữ liệu đất đai lên Internet, người dùng có thể truy cập và truy vấn, khai thác thông tin hoàn toàn miễn phí.

Với đề tài “Xây dựng cơ sở dữ liệu chất lượng đất’ do TS Phạm Văn Vân trình bày nêu ra thực trạng chất lượng đất đất nông nghiệp đã và đang bị đe dọa và tổn thương do nhiều nguyên nhân khác nhau đặc biệt phải kể đến sự biến đổi khí hậu toàn cầu và sự khai thác sử dụng đất kiệt quệ, bất hợp lý của con người để mưu sinh. Trên cơ sở đó nghiên cứu xây dựng CSDL chất lượng đất nông nghiệp với các nội dung: Xác định các nội dung để xây dựng cơ sở dữ liệu chất lượng đất nông nghiệp trên phạm vi của huyện/vùng; Xây dựng cơ sở dữ liệu không gian với các nội dung như: Nhóm không gian về không gian nền gồm các lớp bản đồ biên giới quốc gia và đường địa giới hành chính các cấp; thủy hệ; giao thông và các đối tượng liên quan; Xây dựng cơ sở dữ liệu không gian chuyên đề về chất lượng đất với các lớp bản đồ như: Các loai đất có khả năng sản xuất nông nghiệp (Bản đồ thổ nhưỡng với các loại đất; Bảng số liệu phân tích đất; Địa hình; Khí hậu; Chế độ nước; Độ phì nhiêu của đất, và tình hình sử dụng đất cùng với các thuộc tính được phân cấp phù hợp với vùng nghiên cứu.

PGS.TS. Trần Quốc Vinh trình bày nghiên cứu “Tổng quan về Hệ thống thông tin đất đai Việt nam”. Nghiên cứu đã đưa ra các khái niệm về Hệ thống trông tin đất đai (LIS), các thành phần của Hệ thống thông tin đất đai, yêu cầu của Hệ thống thông tin đất đai Việt nam. Tác giả đã giới thiệu tóm tắt thực trạng xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) đất đai và Hệ thống thông tin đất đai Việt nam, phân tích các tồn tại, hạn chế và định hướng xây dựng mô hình Hệ thống thông tin đất đai Việt nam trong thời gian tới. Theo đó, hiện tại tuy nước ta đã có 63/63 tỉnh, thành phố xây dựng CSDL đất đai nhưng mới chỉ có 132 huyện thuộc 37/63 tỉnh, thành phố xây dựng Hệ thống thông tin đất đai. Hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin các tỉnh, thành phố thiếu đồng bộ, dung lượng đường truyền thấp. CSDL đất đai mới chủ yếu xây dựng cho thành phần CSDL địa chính, CSDL các tỉnh còn rời rạc, thiếu tính liên kết. Các phần mềm LIS chưa hướng đến Chính phủ điện tử; chưa có khả năng hỗ trợ giao dịch đất đai không cần giấy tờ; không đáp ứng được yêu cầu của một hệ thống thông tin đất đai tập trung, đa mục tiêu cho toàn quốc; Việc tiếp cận dữ liệu thông tin đất đai trực tuyến khó khăn. Các phần mềm LIS chưa tiếp cận, sử dụng công nghệ hiện đại như BigData, IoT, điện toán đám mây …

Tại buổi Seminar các tác giả đã nhận được nhiều góp ý để tiếp tục phát triển các hướng nghiên cứu nhằm đưa ứng dụng vào thực tiễn đạt hiệu quả cao.

MỘT SỐ HÌNH ẢNH TẠI BUỔI SEMINAR

leftcenterrightdel