Ngày 17 tháng 12 năm 2024, Nhóm NCM Quản lý tổng hợp tài nguyên đất, nước và dinh dưỡng cây trồng đã tổ chức buổi seminar khoa học với chủ đề: “Ảnh hưởng của bột vỏ trứng đến sinh trưởng và phát triển của cây mía giai đoạn đầu sinh trưởng” do TS. Nguyễn Thành Trung - Bộ môn Khoa học đất và Dinh dưỡng cây trồng - trình bày. Tham dự buổi seminar là sự có mặt của các thầy cô giảng viên thuộc nhóm NCM Quản lý tổng hợp tài nguyên đất, nước và dinh dưỡng cây trồng - khoa Tài nguyên và Môi trường.

leftcenterrightdel

TS. Nguyễn Thành Trung trình bày báo cáo 

Cây mía (Saccharum officinarum L.) là nguồn nguyên liệu chủ yếu phục vụ cho ngành chế biến đường tại Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới. Mía là cây xóa đói giảm nghèo cho vùng trung du, miền núi bởi mía là cây rất dễ tính trồng được trên đất đồi vùng trung du và miền núi. Theo Hiệp hội mía đường Việt Nam, tổng diện tích trồng mía cả nước vụ 2022 – 2023 là 141.906 ha, tăng 117.151 ha (13,75%) so với vụ 2021 – 2022 là 124.753 ha. Năng suất mía thu hoạch bình quân vụ 2022 – 2023 đạt 69,3 tấn/ha, tăng 2,5% so với vụ 2021 – 2022 là 61,5 tấn/ha, dẫn tới sản lượng mía vụ 2022 – 2023 đạt 9.496.358 tấn tăng 28,2% so với 7.532.728 tấn của vụ 2021 – 2022. Sự tăng trưởng sản xuất trong hai vụ liên tiếp gần đây cho thấy cây mía và ngành sản xuất đường vẫn rất có nhiều tiềm năng trong tương lai.

Bảng 1. Thành phần bột vỏ trứng

leftcenterrightdel
 

Bột vỏ trứng là nguyên liệu rất giàu calcium dễ tiêu có nguồn gốc hữu cơ đã được nghiên cứu và sử dụng rộng rãi trên thế giới. MacNeil (1997) và Framing (1998) đánh giá bột vỏ trứng là nguồn canxi tự nhiên rất tốt chứa đến 95% canxi cacbonat và hàm lượng lớn Mg, K, Fe, P. Đồng thời, lớp màng vỏ bao gồm 10% collagen, 69,2% protein, 2,7% chất béo, 1,5% độ ẩm và 27,2% tro là những chất rất có lợi cho sự sinh trưởng và phát triển đặc biệt kích thích sự phát triển bộ rễ của cây trồng. Ngoài ra, tác dụng của vỏ trứng trong cải thiện lý hóa tính của đất cũng đã được chứng minh bởi nhiều tác giả như Munirwan và cs. (2019), Amu và cs. (2005). Faridi and Arabhosseini (2018) cho rằng sẽ rất kinh tế khi chuyển đổi chất thải vỏ trứng để tạo thành nguồn phân bón cung cấp canxi và các hợp chất khác cho cây trồng. Radha và Karthikeyan (2019) khi nghiên cứu về bón bột vỏ trứng gà cho cây đậu đen đã cho thấy tỷ lệ nảy mầm, chiều dài rễ, chiều dài thân, số lá, trọng lượng tươi và trọng lượng khô của cây đậu mắt đen tăng lên khi nồng độ vỏ trứng gà tăng từ 2,0g lên 10,0g. Các thông số sinh hóa như diệp lục, axit amin, protein và tổng phenol cũng tăng lên khi nồng độ vỏ trứng gà tăng. Nghiên cứu của Almaroai và cs. (2014) đã cho thấy, sử dụng bột vỏ trứng đã làm tăng sinh trưởng của cây ngô trong điều kiện đất nhiễm chì. Hiện tại Việt Nam hiện đã có nghiên cứu bước đầu về ứng dụng bón vỏ trứng cho canh tác đậu đỗ, sử dụng vôi hữu cơ từ vỏ trứng có ảnh hưởng tốt đến các yếu tố cấu thành năng suất và cho năng suất cao hơn so với đối chứng không bón vôi và bón vôi thường CaO (Nguyễn Xuân Đài và cs., 2020).

leftcenterrightdel
Một số hình ảnh về thí nghiệm
 Một số hình ảnh về thí nghiệm
Kết quả thí nghiệm cho thấy, nhìn chung, bột vỏ trứng có làm thay đổi hàm lượng của một số yếu tố dinh dưỡng trong đất. Lượng bón bột vỏ trứng 10g đem lại các chỉ tiêu tính chất đất tốt nhất, cụ thể: pH = 6,58; P2O5 = 8,47 (mg/100g đất); K2O = 5,87 (mg/100g đất). Hàm lượng các chất dinh dưỡng trong đất ở CT1 (bón 2g vôi bột) thấp nhất sau thí nghiệm: P2O5 = 2,94 (mg/100g đất); K2O = 3, 81 (mg/100g đất). Ở mức bón 8g bột vỏ trứng đem lại chiều cao, số lá, chỉ số SPAD, chỉ số Fv/Fm, năng suất lý thuyết và hàm lượng chất khô cao nhất. Cụ thể: chiều cao trung bình của CT5 (bón 8g bột vỏ trứng) sau thí nghiệm là 64,2 cm, số lá trung bình của CT5 sau thí nghiệm là 11 lá/cây, chỉ số SPAD = 36,92; chỉ số Fv/Fm = 0,85; sinh khối tươi là 230,19 tấn/ha, hàm lượng chất khô = 53%. CT1 (bón 2g vôi bột) có các chỉ tiêu sinh lý, sinh trưởng của cây là thấp nhất, cụ thể: chiều cao cây trung bình ở CT1 là 41,7 cm, số lá trung bình là 10 lá/cây, chỉ số SPAD = 33,34; chỉ số Fv/Fm = 0,74; sinh khối tươi là 71,56 tấn/ha, hàm lượng chất khô = 21%. Như vậy, có thể khuyến cáo đây là lượng bón thích hợp nhất cho cây mía ở giai đoạn đầu sinh trưởng.

Sau phần trình bày của TS. Nguyễn Thành Trung, các thành viên nhóm NCM tham dự buổi seminar đã có nhiều thảo luận xoay quanh chủ đề. Buổi seminar là cơ hội trao đổi học thuật, cập nhật, cung cấp thêm nhiều kiến thức mới thuộc lĩnh vực khoa học đất và dinh dưỡng cây trồng. Kết quả thảo luận của buổi seminar làm cơ sở để định hướng cho những nghiên cứu sắp tới trong thời gian tới.

                                                                                                                 TS. Nguyễn Thành Trung

                                                                                                                Nhóm NCM Quản lý tổng hợp tài nguyên đất, nước, dinh dưỡng cây trồng