Ngày 15/6/2018  tại  khoa Quản lý đất đa nhóm nghiên cứu Quản lý tổng hợp tài nguyên đất, nước và dinh dưỡng cây trồng đã tổ chức buổi  seminar khoa hoc với các chuyên đề: Đánh giá tình hình thực hiện quy hoạch thủy lợi trong xây dựng nông thôn mới;  Tiềm năng đất đai và định hướng sử dụng đất nông nghiệp huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận; Xói mòn đất Tây Nguyên.

Đến tham dự buổi seminar có Đại diện Ban chủ nhiệm khoa Quản lý đất đai, thành viên nhóm nghiên cứu  và các giảng viên trong Khoa Quản lý đất đai.

 Chuyên đề 1 Đánh giá tình hình thực hiện quy hoạch thủy lợi trong xây dựng nông thôn mới do ThS Vũ Thị Xuân thực hiện, nội dung của chuyên đề như sau: Xây dựng nông thôn mới là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm phát triển bền vững nông nghiệp nông thôn. Ngày 16 tháng 04 năm 2009 Chính phủ đã ban hành bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới, trong đó có 3 tiêu chí liên quan trực tiếp đến nâng cấp và hiện đại hoá hệ thống thuỷ lợi. Thực hiện nâng cấp hiện đại hoá HTTL là cơ sở cho một nền nông nghiệp bền vững cũng là nhằm xây dựng nông thôn mới và CNH-HĐH nông nghiệp nông thôn. Những nội dung trên có quan hệ mật thiết với nhau đòi hỏi có sự kết hợp khăng khít trong quá trình thực hiện. Trong giai đoạn 2011 – 2017, việc thực hiện tiêu chí thủy lợi trong nông thôn mới đã có những những thành tựu nhất định góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp cũng như nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên nước. Để đạt được những thành tựu đó đã sự huy động nguồn lực từ các cấp chính quyền và người dân.

Chuyên đề 2 Tiềm năng đất đai và định hướng sử dụng đất nông nghiệp huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận  do GS.TS Nguyễn Hữu Thành trình bày cho thấy tiềm năng đất đai của huyện Hàm Thuân Bắc được xác định dựa vào 05 yếu tố (chỉ tiêu): loại đất (14 loại), độ dốc của địa hình (06 cấp), độ dày tầng đất (05 cấp), thành phần cơ giới đất (03 cấp), chế độ tưới (03 cấp). Từ các yếu tố này xây dựng 05 bản đồ đơn tính. Bản đồ đơn vị đất đai huyện Hàm Thuận Bắc xây dựng được bằng cách chồng ghép các bản đồ đơn tính. Nghiên cứu đã xác định tài nguyên đất đai huyện Hàm Thuận Bắc có 98 đơn vị đất, trong đó nhóm đất cát (13.132 ha) có 08 ĐVĐ, nhóm đất mặn (54 ha) có 03 ĐVĐ, nhóm đất phù sa (17.310 ha) có 09 ĐVĐ, nhóm đất xám (24.117 ha) có 17 ĐVĐ, nhóm đất đỏ vàng (67.065 ha) có 52 ĐVĐ, nhóm đất mùn vàng đỏ trên núi (4.690 ha) có 02 ĐVĐ, nhóm đất thung lũng (2.231 ha) có 01 ĐVĐ và nhóm đất xói mòn trơ xỏi đá (1.728 ha) có 08 ĐVĐ. Căn cứ vào chất lượng của các đơn vị đất đai và tính hiệu quả, bền vững trong sản xuất nông nghiệp, định hướng chỉ giữ loại sử dụng đất lúa nước ở đất có chế độ tưới I3, với đất trồng lúa có chế độ tưới I2 giữ lại vùng có năng suất cao, còn lại những vùng năng suất kém và không có tưới (nhờ nước trời) I1 chuyển sang trồng cây hàng năm khác hoặc cây lâu năm.

Chuyên đề 3 Xói mòn đất Tây Nguyên do PGS.TS Đỗ Nguyên Hải trình bày, báo cáo được xây dựng trên cơ sở tổng hợp những vấn đề liên quan tới những nguyên nhân gây xói mòn đất  ở vùng Tây Nguyên gồm các điều kiện khí hậu, địa hình địa mạo, diện tích che phủ rừng suy giảm do hoạt động sử dụng đất nông nghiệp không tuân thủ quy hoạch và khai phá đất đai bừa bãi do di dân tự do cùng các mục đích sử dụng đất không quan tâm đến những biện pháp bảo vệ thiết kế đồi ruộng …Những tác nhân thoái hóa làm suy giảm chất lượng đất được minh họa bằng những tài liệu nghiên cứu của các dự án, chương trình nghiên cứu ở Tây Nguyên. Qua tìm hiểu những nguyên nhân tác động tới xói mòn đất ở Tây Nguyên đã xác định một số mô hình sử dụng đất liên quan tới các nhóm biện pháp công trình, tái thiết rừng, áp dụng các mô hình NLKH, các mô hình kết hợp cây công nghiệp lâu năm kết hợp cây ăn quả trồng xen, hạt tiêu được che phủ lạc dại, rừng xen cây dược liệu… nhằm nâng cao tỷ lệ che phủ và hiệu quả sử dụng đất giúp nâng cao khả năng phòng chống xói mòn đất ở vùng nghiên cứu

MỘT SỐ HÌNH ẢNH TẠI BUỔI SEMINAR