Thực tế, chương trình đào tạo trên ghế nhà trường đã cung cấp hệ thống lý luận và lý thuyết hữu dụng về ngành nghề và nhất thiết cần được áp dụng vào thực tế sinh động với các đối tượng và môi trường nghề nghiệp cụ thể. Vì thế, những trải nghiệm học tập thực tế càng trở nên quan trọng và được chú ý hơn vì nó gắn chặt với việc thực hiện kỹ năng nghề nghiệp của sinh viên sau khi ra trường. Trên tình thần đó, bộ môn Sinh Thái Nông Nghiệp đã tổ chức cho 39 sinh viên K61 ngành khoa học môi trường trải nghiệm thực tế tại Vườn quốc gia Ba Vì và xã Minh Quang- Huyện Ba Vì từ ngày 09/04 đến ngày 21/04/2019. Nội dung thực tập trọng tâm chính vào (1) đánh giá hiện trạng tài nguyên rừng tại Vườn quốc gia (VQG) Ba Vì và (2) phân tích thực trạng môi trường nông thôn để tìm giải pháp khắc phục. Các hoạt động thực tiễn thêm một lần nữa giúp sinh viên hiểu được mình sẽ làm công việc như thế nào sau khi ra trường và từ đó có những điều chỉnh kịp thời, cùng với chiến lược rèn luyện phù hợp hơn.
VQG Ba Vì là điểm đến đầu tiên trong đợt học tập nghề nghiệp lần này. Sinh viên được tận mắt quan sát sự thay đổi của thảm thực vật và cấu trúc phân tầng của hệ sinh thái rừng từ độ cao 200m đến 1100m; được thực hành các kỹ năng điều tra, đo đếm trữ lượng rừng; thực hành sử dụng các thiết bị đo và giám sát các yếu tố môi trường.
Sinh viên tiến hành lập các ô tiêu chuẩn và đo đếm trữ lượng rừng tại VQG Ba Vì
Bên cạnh các nội dung thực tập liên quan đến hệ thái rừng tại VQG Ba Vì, sinh viên còn tiến hành khảo sát các vấn đề môi trường phát sinh trong hoạt động sản xuất tinh bột dong riềng và làm miến dong tại xã Minh Quang.
Sinh viên khảo sát cơ sở chế biến tinh bột dong riềng và làm miến xã Minh Quang
Minh Quang là một xã dân tộc miền núi nằm ở phía Tây núi Ba Vì, cách trung tâm thành phố Hà Nội 70km. Nghề chế biến tinh bột dong riềng ở xã Minh Quang có từ năm 1971. Đến năm 2001, chế biến tinh bột miến dong ở Minh Quang được công nhận là làng nghề. Khoảng 10 năm trở lại đây, nghề này ngày càng phát triển bởi nguồn thu nhập từ miến mang lại có thể cao gấp 15-20 lần thu nhập làm nông nghiệp, góp phần đổi mới bộ mặt kinh tế làng nghề. Tuy nhiên, mặt tiêu cực của chuỗi hoạt động này là vấn nạn ô nhiễm môi trường. Một trong những tác nhân trực tiếp gây ô nhiễm là do lượng bã thải sau quá trình sản xuất quá lớn chưa được xử lý thích hợp mà chủ yếu được xả luôn theo nước thải ra kênh mương, sông, suối hoặc đánh đống ở cạnh nơi ở của các hộ gia đình. Bã thải dong riềng chứa hàm lượng nước lớn và giàu hợp chất hữu cơ như hemicellulose, tinh bột, celluolose, protein, khoáng… khi bị vi sinh vật phân hủy bốc mùi hôi thối, làm ô nhiễm môi trường không khí, nước mặt, nước ngầm. Do đó, các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ nước thải, chất thải trong quá trình chế biến của các cơ sở sản xuất đang là vấn đề nhức nhối đối với chính quyền địa phương và người dân nơi đây.
Bã thải dong riềng thải trực tiếp ra môi trường tại xã Minh Quang
Trong đợt thực tập nghề nghiệp lần này, sinh viên cũng tiến hành khảo sát về tình hình và công tác quản lý chất thải phát sinh trong hoạt động chăn nuôi của các hộ trong xã. Thực tế, Minh Quang là nơi sinh sống của 3 nhóm dân tộc là Kinh, Mường, Dao, trong đó dân tộc Mường chiếm khoảng 55%. Do đó, nông nghiệp hiện nay vẫn là hoạt động sinh kế chính, đặc biệt chăn nuôi đang mang lại nguồn thu nhập ổn đinh cho người dân trong xã. Tuy nhiên, vấn đề xử lý và quản lý chất thải phát sinh trong hoạt động chăn nuôi cũng đang là thách thức lớn đối với chính quyền địa phương nơi đây.
Khảo sát tình hình chăn nuôi và các vấn đề môi trường phát sinh trong hoạt động chăn nuôi tại xã Minh Quang
Quá trình áp dụng các kiến thức học được trong nhà trường vào thực tế công việc đã phần nào đó giúp sinh viên nhận biết được điểm mạnh, điểm yếu, và tự nhận thấy cần trang bị thêm những kiến thức, kỹ năng gì để đáp ứng nhu cầu công việc trong tương lai.
Bộ môn STNN- Khoa Môi Trường