Trong thời gian thực tập giáo trình từ ngày 5/11 - 2/12/2018, sinh viên Ngành Khoa học Môi trường được tham gia học tập và nghiên cứu tại các mô hình nuôi trồng thủy sản tại Khoa Thủy sản, Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Sinh viên có cơ hội tiếp cận trực tiếp với các mô hình sản xuất được áp dụng tại Khoa, tham gia trực tiếp vào các quá trình sản xuất, cho tôm, cá ăn, vận chuyển thu hoạch tôm giống, thau bể và vệ sinh môi trường ao nuôi, phân tích các vi sinh vật tồn tại trong nước và vi sinh vật có lợi trong ruột tôm bằng phương pháp nuôi cấy vi sinh.

Sinh viên tiến hành phân tích, đánh giá chất lượng nước

Đồng thời, sinh viên đã tham gia vào hoạt động quan trắc theo dõi thông số môi trường nước tại các ao nuôi cá lăng và tôm thẻ chân trắng: lấy mẫu nước, phân tích các chỉ tiêu hóa lý của nước, đánh giá chất lượng nước ao nuôi và tìm ra biện pháp ứng phó với sự cố liên quan đến nuôi trồng thủy hải sản, luôn đảm bảo, duy trì môi trường thuận lợi cho sự phát triển và sinh trưởng trong hệ thống ao nuôi cá lăng và bể nuôi tôm thẻ chân trắng.

Thông qua các buổi seminar định kỳ, sinh viên được chia sẻ từ thầy cô và kỹ thuật viên kiến thức, kinh nghiệm về bệnh thủy sản, phương pháp nuôi và kết hợp các loại thủy sản với từng mô hình sản xuất, các vấn đề môi trường thường gặp và biện pháp xử lý, các loại chế phẩm xử lý môi trường ao nuôi trên thị trường và cách sử dụng của từng loại chế phẩm… 

 

Tham quan, tìm hiểu kỹ thuật nuôi trồng thủy sản tại Giao Thủy, Nam Định

Trong quá trình thực tập, sinh viên còn được triển khai đi thăm quan thực tế hệ thống nuôi hàu, cá giống, tôm giống tại thị trấn Quất Lâm huyện Giao Thủy tỉnh Nam Định. Tại đây, sinh viên được học hỏi quy trình, mô hình, điều kiện môi trường nuôi thích hợp cho sự phát triển sinh trưởng thuận lợi của từng loại thủy sản, được học hỏi những kinh nghiệm thực tế từ những người dân nuôi thủy sản.

Qua đợt thực tập giáo trình, nhóm sinh viên đã thu được nhiều kinh nghiệm và kiến thức để áp dụng vào thực tiễn: Kỹ thuật theo dõi các chỉ tiêu, thông số môi trường nước để kịp thời phát hiện và xử lý bệnh thủy sản; Kỹ năng sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý môi trường ao nuôi, phân tích vi sinh vật trong nước và vi sinh vật có lợi trong ruột tôm; Cơ hội tiếp cận với các mô hình nuôi trồng thủy sản ở cơ sở, các công ty lớn để thấy được những khó khăn, thuận lợi trong quá trình nuôi thủy sản và các vấn đề môi trường liên quan. Đây là một cơ hội phát triển nghề nghiệp rất tốt cho sinh viên ngành Khoa học Môi trường.      

                                                                               Nhóm thực tập giáo trình – Bộ môn Hóa Học, Khoa Môi Trường