Trong khuôn khổ buổi hội thảo khoa học “Mô hình xử lý rác thải trong nông nghiệp tại Việt Nam” diễn ra ngày 28/04/2023 vừa qua, ThS. Nguyễn Thị Thu Hà đại diện Nhóm nghiên cứu mạnh Công nghệ kỹ thuật Xử lý môi trường đã trình bày tham luận về vấn đề phát sinh và quản lý chất thải rắn và chất thải nguy hại từ các làng nghề truyền thống hoa-cây cảnh trên địa bàn quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội. Nghiên cứu này được thực hiện với sự phối hợp của Phòng kinh tế quận Tây Hồ - UBND quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội; công ty Cổ phần Đầu tư và Tư vấn Phương Bắc và Khoa Tài nguyên và Môi trường thông qua đợt Thực tập nghề nghiệp của sinh viên Ngành Khoa học Môi trường (K64).

leftcenterrightdel
ThS. Nguyễn Thị Thu Hà trình bày kết quả nghiên cứu tại hội thảo
 ThS. Nguyễn Thị Thu Hà trình bày kết quả nghiên cứu tại hội thảo

Kết quả nghiên cứu cung cấp các số liệu, thông tin mô tả hiện trạng phát sinh chất thải rắn làng nghề bao gồm chất thải có nguồn gốc thực vật và các thành phần chất thải khác trong quá trình trồng, chăm sóc và kinh doanh các sản phẩm truyền thống đào cành, đào thế tại làng nghề truyền thống hoa đào Nhật Tân, phường Nhật Tân và quất cảnh tại làng nghề truyền thống quất cảnh Tứ Liên, phường Tứ Liên. Trong đó, chất thải rắn thông thường của làng nghề Nhật Tân và Tứ Liên phát sinh lần lượt vào khoảng 1,21 - 3,24 tấn/hộ/năm trong đó không đảm bảo quy định là 24-36% chất thải nhựa; 12-28% chất thải vườn. Tổng lượng chất thải rắn đốt tự phát tại làng nghề là 184,4 tấn/năm phát sinh nhiều bụi mịn, khí thải trong khu vực nội thành, vi phạm các quy định về quản lý môi trường hiện nay. Thêm vào đó, một tỷ lệ lớn chiếm lần lượt 36 và 64% trong tổng số 1,96 và 0,9 tấn/năm bao bì thuốc bảo vệ thực vật của lần lượt các làng nghề được đốt tự phát tại các làng nghề, gây ảnh hưởng bất lợi tới môi trường và sức khoẻ.

leftcenterrightdel
Địa bàn nghiên cứu của đề tài 

Trong xây dựng Phương án bảo vệ môi trường làng nghề (theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020), việc xây dựng và thực hiện các quy định về quản lý chất thải bao gồm giảm phát sinh, thu gom, tập kết tạm thời, vận chuyển đi xử lý hoặc xử lý tại chỗ đối với chất thải rắn và chất thải nguy hại từ hoạt động sản xuất đóng vai trò quan trọng. Tuy nhiên, thực hiện vấn đề này ở các làng nghề nói chung và làng nghề hoa-cây cảnh nói riêng còn một số khó khăn, thách thức. Đối với quản lý chất thải rắn thông thường (đặc biệt là chất thải có nguồn gốc từ thực vật) là quy mô diện tích sản xuất nhỏ, khối lượng chất thải lớn, thành phần chất thải khó phân huỷ, chuyển hoá, dễ lây nhiễm mầm bệnh từ chất thải sang cây cảnh...  gây khó khăn cho việc chuyển từ kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn đối với loại hình sản xuất này. Đối với chất thải nguy hại, hệ thống quản lý thiếu một cơ quan/đơn vị đại diện pháp lý để ký hợp đồng thu gom chất thải nguy hại, đơn vị dịch vụ thu gom chất thải nguy hại có mã vận chuyển/xử lý đối với loại chất thải này không nhiều, chi phí cao, thiếu quỹ đất để thu gom/cách ly chất thải nguy hại.

leftcenterrightdel
Toàn cảnh hội thảo
 Toàn cảnh hội thảo

Tại phiên thảo luận của hội thảo, các đại biểu tham dự đã trao đổi, bổ sung thông tin về cơ sở để thực hiện tuần hoàn, tái sử dụng chất thải trong đó tập trung nhấn mạnh vai trò của các công cụ pháp lý. Bên cạnh đó, các giải pháp hỗ trợ liên quan đến kỹ thuật, truyền thông và kinh tế cũng được xem xét gợi ý. Trong bối cảnh thực hiện thí điểm các mô hình Kinh tế tuần hoàn phục vụ mục đích Tăng trưởng xanh, gắn phát triển kinh tế với Bảo vệ môi trường trong giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Để thực hiện tốt phương án bảo vệ môi trường làng nghề hoa-cây cảnh là một đối tượng đặc thù cần có những giải pháp, lộ trình phù hợp và sự vào cuộc của liên ngành nông nghiệp và môi trường. Ở một quy mô nhỏ mang tính điển hình, phương pháp tiếp cận của nghiên cứu này phù hợp với khả năng thực hiện của các nhóm sinh viên nghiên cứu, đề tài Khoá luận tốt nghiệp... theo định hướng của các ngành Khoa học môi trường, Quản lý tài nguyên và Môi trường hiện tại của Khoa Tài nguyên và Môi trường, Học viện Nông nghiệp Việt Nam

                                                                               Nhóm nghiên cứu mạnh Công nghệ kỹ thuật Xử lý môi trường