Thoái hóa đất có thể được xem là sự suy giảm/mất khả năng sản xuất hiện tại hoặc tiềm tàng của đất do tác động của các tác nhân tự nhiên hoặc con người; đó là sự giảm chất lượng đất hoặc giảm khả năng sản xuất của nó. Các cơ chế của sự thoái hóa đất bao gồm các quá trình vật lý, hóa học và sinh học.
Thoái hoá đất đang gia tăng về mức độ nghiêm trọng và quy mô ở nhiều nơi trên thế giới, với hơn 20% diện tích canh tác, 30% rừng và 10% đồng cỏ đang diễn ra thoái hoá (Bai và cộng sự, 2008). Hàng triệu ha đất mỗi năm đang bị suy thoái ở tất cả các vùng khí hậu. Người ta ước tính rằng 2,6 tỷ người bị ảnh hưởng bởi thoái hoá đất và sa mạc hóa ở hơn một trăm quốc gia, chiếm hơn 33% diện tích bề mặt trái đất (Adams và Eswaran, 2000). Đây là vấn đề môi trường và phát triển toàn cầu được nêu bật tại Công ước Liên hợp quốc về chống sa mạc hóa, Công ước đa dạng sinh học, Nghị định thư Kyoto về biến đổi khí hậu toàn cầu và mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (UNCED, 1992; UNEP, 2008).
IPBES (Intergovernmental Science-Policy Platform on Biodiversity and Ecosystem Services, 2018) gần đây đã đưa ra một đánh giá toàn diện về thoái hoá đất, tuyên bố đây là một hiện tượng phổ biến và có hệ thống, xảy ra ở tất cả các phần của bề mặt đất thế giới. Do đó, thoái hoá đất ảnh hưởng đến người dân rất lớn. Khoảng 1,3 tỷ người sống trên đất nông nghiệp đang diễn ra thoái hoá (UNCCD 2017b) và thoái hoá đất ảnh hưởng tiêu cực đến phúc lợi của ít nhất 3,2 tỷ người trên toàn cầu (IPBES 2018). Các quá trình thoái hoá đất như phá rừng hoặc xói mòn đất cũng góp phần vào biến đổi khí hậu (IPBES 2018), với 25% lượng khí thải nhà kính do con người gây ra do Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Sử dụng Đất khác (IPCC 2014). Ngoài ra, thoái hoá đất làm giảm khả năng thích ứng của các xã hội và hệ sinh thái để đối phó với các tác động của biến đổi khí hậu (IPBES 2018). Thoái hoá đất cũng có thể làm tăng mất an ninh lương thực, bằng cách giảm sản xuất và tăng sự không chắc chắn, do đó dẫn đến giá lương thực cao hơn (Davies 2016).
Ở Việt Nam do tác động của điều kiện tự nhiên nhiên (3/4 diện tích tự nhiên là đồi núi; lượng mưa trung bình năm lớn, phân bố không đều trong năm và giữa các vùng), đặc biệt là biến đổi khí hậu diễn ra trong những năm gần đây; quá trình phát triển kinh tế - xã hội kèm theo sự chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất cùng với tập quán canh tác nông nghiệp đã có những tác động rất lớn đến tài nguyên đất, làm xuất hiện các loại hình thoái hóa đất như: xói mòn đất; khô hạn, hoang mạc, xa mạc hoá; kết von, đá ong hoá; suy giảm độ phì nhiêu; mặn hoá và phèn hóa với mức độ và quy mô khác nhau giữa các vùng trên cả nước.
Thoái hoá đất đã, đang xảy ra khá nghiêm trọng tại vùng duyên hải Nam Trung bộ. Kết quả đánh giá thoái hoá đất của Trung tâm Điều tra và Quy hoạch Đất đai, Tổng cục Quản lý Đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường (2020) cho thấy:
(1) Trong tổng diện tích tự nhiên 4.454.209 ha của vùng có 1.841.698 ha đất đã bị thoái hóa ở các mức độ khác nhau (chiếm 41,35%), trong đó đất thoái hóa nhẹ chiếm tỉ lệ lớn nhất với 1.102.724 ha (24,76% so với diện tích tự nhiên); đất thoái hóa trung bình với 489.573 ha (10,99% so với diện tích tự nhiên) và đất bị thoái hóa nặng với 249.401 ha (5,60% so với diện tích tự nhiên).
(2) Sáu dạng thoái hoá xảy ra trên địa bàn vùng duyên hải Nam Trung Bộ: xói mòn đất do mưa (2.577.916 ha), xói mòn đất do gió (55.717 ha); Khô hạn (2.246.628 ha), hoang mạc hoá (207.482 ha); suy giảm độ phì (1.995.965 ha); kết von hoá (375.584 ha); mặn hoá (32.464 ha) và phèn hoá (2.720 ha).
(3) Thoái hoá đất diễn ra trên tất cả các loại đất, đặc biệt xảy ra mạnh trên các đất sản xuất nông nghiệp, đất dốc chưa sử dụng, đất bằng chưa sử dụng và đất lâm nghiệp. Các đất NTTS, đất làm muói và đất NN khác cũng bị thoái hoá, chủ yếu ở mức thoái hoá nhẹ.
(4) Thoái hoá đất xảy ra ở cả 8 tỉnh trong vùng. Diện tích đất bị thoái hoá lớn nhất tại Ninh Thuận (xấp xỉ 69% diện tích đất điều tra), Bình Thuận (67%). Các tỉnh còn lại, diện tích đất bị thoái hoá dao động từ xấp xỉ 25 đến 48%.
(5) Đất vùng duyên hải Nam Trung bộ bị thoái hoá do tác động của điều kiện tự nhiên cũng như tác động của con người trong quá trình sử dụng đất.
|
|
Khô hạn tại Ninh Sơn, Ninh Thuận |
GS.TS Nguyễn Hữu Thành - BM Khoa học Đất, khoa Tài nguyên và Môi trường