Sáng ngày 26/6, lễ công bố phát hành quốc tế thêm 1 triệu tín chỉ các-bon từ các công trình khí sinh học tại nông hộ trong khuôn khổ dự án “Chương trình khí sinh học cho ngành chăn nuôi Việt Nam 2016-2020” đã diễn ra tại trụ sở Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT).

Quang cảnh lễ công bố phát hành thêm 1 triệu tín chỉ các-bon 2018

Tham dự buổi lễ có ông Vũ Văn Tám - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, ông Tống Xuân Chinh - Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi kiêm Giám đốc dự án, ông Christoph Messinger – đại diện tổ chức Endev, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Đức (GIZ), bà Alison Rusinow – Giám đốc Quốc gia Tổ chức phát triển Hà Lan (SNV), đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường và các đại diện từ đơn vị có liên quan thuộc Bộ NN&PTNT.

Thứ trưởng Vũ Văn Tám phát biểu tại lễ công bố

Theo báo cáo kết quả của dự án về hoạt động chứng nhận và phát hình tín chỉ các-bon tự nguyện, dự án đã thực hiện được 16 năm, bắt đầu từ năm 2003 khi Chương trình khí sinh học cho ngành chăn nuôi Việt Nam được triển khai với nguồn vốn viện trợ phát triển chính thức của Chính phủ Hà Lan, do Bộ NN&PTNT là cơ quan chủ quản và Cục Chăn nuôi làm chủ đầu tư thực hiện. Dự án triển khai qua 3 giai đoạn: giai đoạn 1 (2003-2006), giai đoạn 2 (2007-2016) và giai đoạn 3 (2016-2020). Mục tiêu tổng thể của dự án nhằm phát triển ngành khí sinh học định hướng thị trường và giảm phát thải khí nhà kính từ việc sản xuất chăn nuôi thông qua hỗ trợ xây dựng các công trình khí sinh học tại nông hộ. Tổng số công trình khí sinh học được xây dựng và lắp đặt từ năm 2003 đến hết năm 2017 đạt trên 170.000 công trình trên 55 tỉnh, thành.

Năm 2013, dự án đã đăng ký thành công kỳ phát hành lần thứ 1 tín chỉ các-bon giảm phát thải khí nhà kính theo cơ chế tự  nguyện với Tổ chức chứng nhận quốc tế Gold Standard (Tiêu chuẩn vàng) với 05 đợt giám sát các-bon tương đương cho 05 đợt phát hành tín chỉ các-bon. Đến năm 2016, dự án đã thực hiện 02 đợt giam sát các-bon cho 02 đợt phát hành tín chỉ với tổng số hơn 1,2 triệu tín chỉ đã được chứng nhận, phát hành và bán ra thị trường thu về hơn 2,5 triệu đô la Mỹ cho các hoạt động tái đầu tư của dự án.

Trong giai đoạn 3 (11/2016 – 12/2020), dự án đã hoàn thành giám sát các-bon đợt 3 và kết quả giám sát các-bon chỉ ra có khoảng hơn 1 triệu tấn CO2 được giảm thải từ các công trình khí sinh học tương đương hơn 1 triệu tín chỉ các-bon đã được trình lên Tổ chức Tiêu chuẩn vàng thẩm định và chứng nhận phát hành. Sau quá trình thẩm định thành công, ngày 5/4/2018, Tổ chức Tiêu chuẩn vàng đã chính thức công bố dự án Chương trình khí sinh học cho ngành chăn nuôi giai đoạn 2016-2020 ở Việt Nam đã có thêm 1.072.197 tín chỉ VER được chứng nhận phát hành cho các công trình khí sinh học được xây dựng đến hết năm 2014, đưa tổng số tín chỉ các-bon của dự án được chứng nhận phát hành lên 2.362.149 tín chỉ.

Trên quy mô quốc tế, đây là dự án có số lượng tín chỉ các-bon theo cơ chế tự nguyện lớn nhất thế giới về giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực khí sinh học.

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Vũ Văn Tám bày tỏ sự vui mừng khi được công bố phát hành trên thị trường quốc tế hơn 1 triệu tín chỉ các-bon theo cơ chế tự nguyện của dự án trong giai đoạn 3 của dự án. Doanh thu từ bán tín chỉ các-bon đóng góp 50% trong tổng kinh phí thực hiện, đây là dự án duy nhất và đặc thù nhất trong bối cảnh nguồn vốn viện trợ ODA giảm dần và các nguồn đối ứng của Chính phủ Việt Nam còn hạn chế. Thứ trưởng nhấn mạnh sự kiện này đóng vai trò quan trọng không những của dự án của ngành nông nghiệp nói riêng, mà còn là trách nhiệm của Việt Nam nói chung trong nỗ lực cam kết cắt giảm phát thải khí nhà kính toàn cầu.

Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam đánh giá cao thành công của dự án, với sự tin tưởng vào kết quả đạt được khi dự án đã có tác động tích cực đến môi trường thông qua giảm phát thải khí nhà kính, hỗ trợ phát triển chăn nuôi bền vững với việc quản lý chất thải chăn nuôi tốt hơn, cung cấp nguồn phân hữu cơ sinh học, tác động tích cực đến người dân nông thôn thông qua cung cấp năng lượng sạch, giảm khói trong khu vực bếp, tiết kiệm chi phí và thời gian cho phụ nữ. Chương trình cũng được cộng đồng quốc tế ghi nhận thông qua các giải thưởng như Giải thưởng Năng lượng toàn cầu 2006, Giải thưởng Vì con người tại Diễn đàn Năng lượng Thế giới 2012. Chính phủ Hà Lan tin rằng công nghệ khí sinh học đóng vai trò lớn vào mục tiêu phát triển bền vững và cần một chỗ vững chắc trong khung hiệp ước quốc gia tự chủ về cắt giảm khí nhà kính, quay vòng bởi cách tiếp cận hiệu quả tương tự như chương trình khí sinh học.

Ông Tống Xuân Chinh - Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi kiêm Giám đốc dự án Dự án bày tỏ sự cảm kích về sự hỗ trợ to lớn trong 2 giai đoạn đầu dự án từ nguồn ODA Chính phủ Hà Lan thông qua tổ chức SNV. Trong thời gian tới, ông mong muốn tiếp tục  nhận được sự hỗ trợ từ phía Đại Sứ quán hà Lan, không những cho dự án khí sinh học, mà còn cho chiến lược lâu dài về ngành nông nghiệp giữa hai Bộ và hai quốc gia. Bên cạnh nguồn kinh phí lớn từ Đại sứ quán Hà Lan ông Christoph Messinger - đại diện tổ chức Endev/GIZ cũng tuyên bố tài trợ cho giai đoạn 3 của dự án.

Như vậy, dự án đã, đang và sẽ tiếp tục góp phần tích cực trong việc thực hiện mục tiêu xây dựng 500.000 hầm khí sinh học của Bộ NN&PTNT và hàng năm giảm thải 1,46 triệu tấn CO2 quy đổi tương đương 5,99% tổng lượng dự b áo phát thải khí nhà kính lĩnh vực chăn nuôi đến năm 2020 tại QĐ số 3119/QĐ-BNN-KHCN ngày 16/12/2011 về phê duyệt Đề án giảm phát thải kính nhà kính trong nông nghiệp nông thôn đến năm 2020. Hoạt động này sẽ góp phần để Việt Nam thực hiện đúng cam kết với cộng đồng quốc tế trong cam kết quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu (NDC).

                                                                                                                                (Theo thông tin Bộ Nông nghiệp & PTNN)