Ngày 24 tháng 5 năm 2019, nhóm nghiên cứu chuyên sâu “Quản lý tổng hợp tài nguyên đất, nước, dinh dưỡng cây trồng”, khoa Quản lý Đất đai đã tổ chức buổi seminar khoa học tháng 5 do các giảng viên của Bộ môn Tài nguyên nước và Nông hóa trình bày.

Mở đầu buổi seminar PGS.TS. Nguyễn Văn Dung đã trình bày nghiên cứu "Nghiên cứu ảnh của các kiểu sử dụng đất đến xói mòn và khả năng phục hồi dinh dưỡng đất tại huyện Tuy Đức, tỉnh Đăk Nông". Tác giả đã chỉ ra: Với 6 thí nghiệm về các kiểu sử dụng đất trồng cà phê, hồ tiêu và rừng xen Mắc ca trên đất bazan ở 2 cấp độ dốc khác nhau đều cho kết quả giảm lượng đất xói mòn và dòng chảy trên mặt đất rõ rệt so với trồng Mắc ca thuần. Trên độ dốc 6-7 o lượng đất xói mòn của các công thức xen Mắc ca từ 10,8-26,4 tấn.ha.năm, dòng chảy trên mặt đất từ 153-195mm. Trên độ dốc 12-13o lượng xói mòn đất từ 15,6-33,7, dòng chảy trên mặt từ 188-285mm. Dinh dưỡng mất là lớn nhất với công thức trồng thuần đạm dễ tiêu mất trung bình lần lượt là 34,52 kg và 27,81 kg, lân dễ tiêu lần lượt 2,52kg và 1,99kg, Kali dễ tiêu là 4,3kg và 3,8kg. Ngược lại trong công thức Mác ca trồng xen Cà phê hoặc hồ tiêu lượng đạm dễ tiêu mất lần lượt 22,39kg và 15,53kg; lân dễ tiêu là 1,47 kg và 1,24 kg, Kali là 2,8 và 2,4 kg. Khả năng phục hồi dinh dưỡng đất phụ thuộc vào quá trình sử dụng đất và suy giảm nhiều theo thời gian, mối quan hệ trên là hàm bậc 2. Đối với đạm khả năng phục hồi dinh dưỡng trên đất trồng Mác Ca xen rừng nhanh hơn (khoảng từ 3-7 năm). Công thức còn lại khả năng này kéo dài 17-19 năm.

ThS. Vũ Thị Xuân trình bày nghiên cứu “Những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến quận Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng”. Kết quả nghiên cứu cho thấy: Những biểu hiện của biến đổi khí hậu có một số đặc điểm (Nhiệt độ tăng khoảng 0,5ᵒC từ năm 1984 - 2017. Nhiệt độ cao nhất rơi vào các năm 1999, 2015. Xu hướng nhiệt độ ngày càng tăng, tăng nhanh vào thập kỷ gần đây. Lượng mưa tại khu vực nghiên cứu trong thời gian từ năm 1985-2017 tăng khoảng gần 700 mm. Trong thời gian trở lại đây các đợt mưa càng kéo dài và lượng mưa tăng lên đáng kể so với thập kỷ trước. Mực nước trung bình năm có xu hướng tăng 6mm/năm trong thời kỳ 2001-2017. Mực nước biển cao nhất năm có xu hướng 16 mm/năm, mực nước biển thấp nhất năm 2,15 mm/năm. So với thời kì gần đây (2001-2017) với thời kỳ trước (1985-2000), mực nước biển trung bình năm tăng 13 cm). Trong những năm qua, BĐKH đã, đang và sẽ tác động đến khu vực về mọi mặt như vấn đề bồi tụ xói lở ven biển, áp lực đối với các nguồn tài nguyên, cơ sở hạ tầng, sản xuất, đời sống người dân, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế khu vực (kinh doanh du lịch biển).

Với nghiên cứu “vấn đề sử dụng phụ phẩm nông nghiệp tại Việt Nam” TS Nguyễn Thu Hà đã đưa ra các số liệu tính đến năm 2016, diện tích đất nông nghiệp của nước ta có 27,28 triệu ha trong đó diện tích cho sản xuất nông nghiệp (trồng trọt) là 11,53 triệu ha, với đất trồng cây hàng năm 6,99 triệu ha và cây lâu năm 4,54 triệu ha (Bộ TNMT, 2016). Với diện tích canh tác này lượng phụ phẩm từ ngành trồng trọt rất lớn, lên tới hàng trăm triệu tấn/ năm, trị giá vài trăm ngàn tỷ đồng (Cụ trồng trọt, 2018). Những loại phụ phẩm trồng trọt chủ yếu gồm: phụ phẩm sau quá trình canh tác và các sản phẩm chính được thu hoạch còn lại là thân, lá, cành…; Phụ phẩm sau quá trình chế biến như vỏ trấu, lõi ngô, hạt không đủ tiêu chuẩn dùng làm thực phẩm. Bên cạnh ngành trồng trọt, ngành chăn nuôi cũng tạo ra một lượng chất thải vô cùng lớn: Lượng chất thải rắn ước tính khoảng 84,5 triệu tấn/năm; trong đó chất thải rắn từ lợn chiếm 30%, gia cầm 28%, bò 24%, trâu và các loài khác chiếm 18% (World Bank, 2016). Các chất thải từ chăn nuôi chứa một lượng đáng kể chất dinh dưỡng như ni tơ, phốt pho và một lượng bài tiết khác như hormones, kháng sinh, các vi sinh vật (vi khuẩn, vi rút) gây bệnh và kim loại nặng được đưa vào trong thức ăn (Steinfeld và cs.,FAO, 2006). Ngoài ra, phụ phẩm nông nghiệp còn phát sinh từ các ngành giết mổ, nuôi trồng thủy sản và đông lạnh.

Hiện nay, các loại phụ phẩm trồng trọt ở Việt Nam chủ yếu được sử dụng dưới các hình thức: đốt bỏ, làm thức ăn gia súc, vứt tại ruộng, ủ phân, sử dụng cho trồng trọt (tủ gốc), củi trấu, trồng nấm, độn chuồng. Nông dân các tỉnh trung du miền núi phía Bắc thường hay đốt bỏ phụ phẩm tại ruộng (60-75% lượng phụ phẩm trồng trọt). Nông dân tại các tỉnh đồng bằng sông Hồng, miền trung và miền Nam thường thực hiện đốt tại ruộng, vùi tại ruộng hoặc làm thức ăn gia súc. Nhằm tăng cường tỷ lệ phụ phẩm trồng trọt tái sử dụng, khuyến khích nông dân tham gia mà không làm gia tăng công lao động trực tiếp, cần thiết phải tích hợp được các module cắt, cuộn, thu gom, băm nhỏ và phun tại ruộng vào với các máy thu hoạch và phát triển được công nghệ ủ phân bón thích hợp cho các nông hộ cũng như các trang trại hay hợp tác xã sản xuất tập trung.

Những loại chất thải chăn nuôi cần chú trọng xử lý nhất hiện nay là chất thải chăn nuôi lợn, gia cầm và trâu, bò. Các trang trại và hộ chăn nuôi thường xử lý chất thải theo các hình thức: ủ phân, bán phân bón (55%), thải trực tiếp ra môi trường (26%), công trình khí sinh học (10%), đệm lót sinh học (5%) và một số hình thức khác (4%). Hiện nay, các công nghệ ủ chất thải chăn nuôi làm phân bón khá phong phú nhưng đều mang đặc điểm chung là sử dụng chế phẩm vi sinh vật và điều khiển lượng khí oxy đẩy nhanh quá trình phân giải CHC, qua đó làm tăng hiệu suất của công nghệ mà vẫn đảm bảo chất lượng tối thiểu của phân bón theo quy định.

Chất thải ngành giết mổ là vấn đề đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ với môi trường vì chưa được tập trung xử lý. Xu hướng tái sử dụng chất thải giết mổ chủ yếu là làm thức ăn gia súc và phân bón. Bên cạnh đó, ngành thủy sản và đông lạnh cũng tạo ra lượng chất thải rắn lớn chứa nhiều chất dinh dưỡng có giá trị, có thể sử dụng sản xuất các sản phẩm đặc biệt như dược liệu, thực phẩm chức năng, thức ăn chăn nuôi và phần còn lại thì làm chất bổ sung phân bón.

Vấn đề sử dụng phụ phẩm nông nghiệp trong chuỗi sản xuất ngày càng được Chính Phủ và người nông dân quan tâm nhằm làm tăng hiệu quả của sản xuất nông nghiệp, vừa góp phần bảo vệ môi trường. Tại seminar nhóm nghiên cứu đã thảo luận những kết quả đã đạt được và đưa ra các góp ý để các tác giả tiếp tục phát triển các hướng nghiên cứu nhằm đưa vào sử dụng trong thực tế đạt hiệu quả cao

MỘT SỐ HÌNH ẢNH TẠI BUỔI SEMINAR

leftcenterrightdel