Ngày 29 tháng 09 năm 2021, nhóm nghiên cứu mạnh Quản lý Tài Nguyên và Môi Trường đã tổ chức seminar sinh hoạt khoa học online qua Ms teams với các chuyên đề sau:

Chuyên đề 1: “Giải pháp mở rộng mô hình nông nghiệp thông mình thích ứng với khí hậu (CSA) tiềm năng tại vùng ven biển ĐBSH” do PGS.TS. Ngô Thế Ân trình bày.

Chuyên đề 2: “Khai thác, bảo tồn và phát triển cây dược liệu tại bản người dân tộc Dao, xã Ba Vì, huyện Ba Vì” do TS. Nguyễn Thu Thùy trình bày.

Chuyên đề 3: “Đánh giá việc thực hiện mục tiêu số 1 về giảm nghèo (SDG1) của mục tiêu Phát triển bền vững của Liên hợp quốc tại Việt Nam. Nghiên cứu trường hợp tại tỉnh Nam Định và Vĩnh Phúc” do TS. Nguyễn Thị Hồng Ngọc trình bày.

Tham dự buổi seminar có đầy đủ các thành viên của nhóm nghiên cứu mạnh, cùng các giảng viên, cán bộ trong Khoa Tài Nguyên và Môi trường.

Mở đầu buổi seminar, PGS. TS. Ngô Thế Ân đã trình bày kết quả nghiên cứu về mô hình nông nghiệp thông minh thích ứng với khí hậu (CSA). Mô hình CSA tiềm năng cho vùng ven biển đồng bằng sông Hồng được lựa chọn dựa trên bộ tiêu chí xây dựng theo 3 trụ cột là thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm thiểu phát thải khí nhà kính và đảm bảo an ninh lương thực. Dưa lai – rau vụ đông, Ớt – hoa, Tôm thẻ chân trắng nuôi ghép cá diêu hồng và Tôm thẻ chân trắng thâm canh trong nước lợ được người dân đánh giá có tiềm năng đạt chuẩn CSA, đáp ứng tốt yêu cầu an toàn lương thực và có thể mở rộng trên quy mô cấp vùng. Giải pháp can thiệp để mở rộng mô hình được thực hiện thông qua sử dụng phân hữu cơ, chế phẩm vi sinh thân thiện môi trường và tập huấn kỹ năng liên kết thị trường đã giúp các mô hình được cải thiện về môi trường và tăng khả năng thích ứng một cách rõ rệt.

leftcenterrightdel
Bài trình bày của PGS.TS. Ngô Thế Ân

Bài trình bày của PGS.TS. Ngô Thế Ân 

Tiếp theo là bài trình bày của TS. Nguyễn Thu Thùy về “Khai thác, bảo tồn và phát triển cây dược liệu tại bản người dân tộc Dao, xã Ba Vì, huyện Ba Vì”. Nghiên cứu được thực hiện tại cộng đồng người Dao xã Ba Vì- một xã nằm trong vùng đệm Vườn quốc gia Ba Vì, người dân tộc Dao nơi đây có truyền thống làm thuốc nam được hơn 20 năm. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, thành phần loài cây dược liệu được khai thác, sử dụng của người dân tộc Dao xã Ba Vì rất đa dạng. Tuy nhiên, nguồn tài nguyên cây dược liệu trên núi Ba Vì hiện đã khan hiếm, nguồn cung cấp nguyên liệu thô cho hoạt động làm thuốc Nam của các hộ người Dao chủ yếu từ vườn hộ hoặc thu mua từ các tỉnh lân cận. Người dân đã quan tâm đến gây trồng cây dược liệu để phục vụ cho hoạt đồng nghề thuốc của hộ. Hoạt động gây trồng của các hộ gia định người Dao đã diễn ra gần 10 năm, tuy nhiên diện tích trồng cây dược liệu trên địa bàn vẫn nhỏ lẻ, mang mún, khó tâp trung. Thiếu giống, thiếu đất, thiếu vốn và điều kiện lập địa nơi trồng là những hạn chế trong mở rộng vùng trồng cây dược liệu trên địa bàn nghiên cứu.

leftcenterrightdel
Bài trình bày của TS. Nguyễn Thu Thùy

Bài trình bày của TS. Nguyễn Thu Thùy

Bài trình bày thứ ba là của TS. Nguyễn Thị Hồng Ngọc về “Đánh giá việc thực hiện mục tiêu số 1 về giảm nghèo (SDG1) của mục tiêu Phát triển bền vững của Liên hợp quốc tại Việt Nam. Nghiên cứu trường hợp tại tỉnh Nam Định và Vĩnh Phúc”. Tác giả đã chỉ ra rằng phát triển bền vững luôn là một trong những quan điểm quan trọng và xuyên suốt của Việt Nam trong tất cả các kế hoạch hành động cũng như các chiến lược phát triển kinh tế xã hội của quốc gia. Thực hiện chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc, Việt Nam dựa trên tiềm lực cụ thể của mình, đã nhanh chóng xác định được 17 mục tiêu chung và 115 mục tiêu cụ thể. Trong 17 mục tiêu đó thì mục tiêu số 1 (SDG1 - Sustainable Development Goal 1) về “Chấm dứt mọi hình thức nghèo ở mọi nơi” rất được quan tâm. Nhìn chung ở giai đoạn 2016 – 2020 chúng ta đã về đích đúng hạn và đạt được một số thành tựu đáng khích lệ ở mục tiêu này, như chấm dứt tình trạng nghèo cùng cực (2015), giảm tỷ lệ nghèo từ 9.88% (2015) xuống còn 2.75% (2020), cải thiện mức sống và sinh kế người dân,…Dù được Liên hợp quốc đánh giá cao những nỗ lực này nhưng qua nghiên cứu 2 trường hợp cụ thể ở tỉnh Vĩnh Phúc và Nam Định vẫn còn rất nhiều điều đáng lưu tâm về cả cách triển khai thực hiện và các kết quả đạt được của chương trình này. Các báo cáo kết quả thực hiện SDG đều hoàn thành đúng hạn do Chính phủ đề ra nhưng chất lượng rất chênh lệch nhau và thiếu sự đồng bộ, nhất quán. Điều này có thể ảnh hưởng đến kết quả thực hiện ở các giai đoạn tiếp theo của Chính phủ. Nguyên nhân được chỉ ra đó là do sự thiếu kịp thời trong việc ban hành các thông tư hướng dẫn của Nhà nước và sự không rõ ràng về ngân sách trong việc thực hiện, khiến cho các địa phương lúng túng. Mặc dù tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo giảm mạnh nhưng nhiều nơi vẫn có sự không công bằng, thiếu khách quan khi nhận diện hộ nghèo và nhiều hỗ trợ vẫn chưa thực sự đến đúng đối tượng. Nhận thức của các cấp địa phương về SDG vẫn còn hạn chế, không nhiều cán bộ địa phương biết về chương trình này. Nhiều nơi vẫn nhầm lẫn đây là một hợp phần của 2 chương trình mục tiêu quốc gia về xoá đói giảm nghèo (2012) và chương trình nông thôn mới (2010). Hoạt động giám sát và đánh giá vẫn đang ở tình trạng từ trên xuống, thiếu sự phản hồi từ các cấp địa phương.

leftcenterrightdel
Bài trình bày của TS. Nguyễn Thị Hồng Ngọc

Bài trình bày của TS. Nguyễn Thị Hồng Ngọc 

 Sau mỗi phần trình bày của các báo cáo viên, các thầy/cô tham dự buổi seminar đã có những trao đổi liên quan đến các chủ đề được đề cập. Buổi seminar khoa học đã cung cấp thêm nhiều kiến thức mới, chuyên sâu làm cơ sở để định hướng cho các nghiên cứu tiếp theo của các thành viên trong nhóm.