Ngày 16 tháng 12 năm 2019 tại phòng họp khoa Quản lý đất đai nhóm nghiên cứu mạnh quy hoạch không gian lãnh thổ về sử dụng đất và môi trường có buổi seminar khoa học  với chuyên đề “Tình hình tích tụ, tập trung đất đai cho phát triển nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng” do PGS.TS Nguyễn Quang Học trình bày. Trong chuyên đề này nhóm nghiên cứu trình bày về chính sách tích tụ, tập trung đất đai, pháp luật về đất đai có các quy định: Về quyền của người sử dụng đất nông nghiệp;Về thời hạn sử dụng đất nông nghiệp; Về hạn mức sử dụng đất nông nghiệp. Các phương thức tích tụ, tập trung đất đai đó là: (i) Dồn điền, đổi thửa, (ii) Thuê đất nông nghiệp của người đang sử dụng đất, (iii) Liên kết, hợp tác với người sử dụng đất, (iv) Nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp, (v) Nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất.. Các mô hình sử dụng đất nông nghiệp hiện nay: (i) Mô hình trang trại của hộ gia đình, cá nhân, (ii) Mô hình hợp tác xã, (iii) Mô hình doanh nghiệp,(iv) Mô hình liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân.

leftcenterrightdel
PGS.TS. Nguyễn Quang Học trình bày seminar khoa học 
 

Đối với tỉnh Lâm Đồng có các hình thức tích tụ, tập trung đất đai: Thực hiện sang nhượng quyền sử dụng đất để tạo quỹ đất lớn tổ chức sản xuất hàng hoá tập trung; Thuê đất sản xuất: Việc thuê đất này hiện nay chủ yếu do các bên tự thoả thuận và phổ biến trên địa bàn các huyện trồng rau hoa khi quỹ đất ngày càng hạn hẹp ( ví dụ: thành phố Đà Lạt, huyện Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng); Hình thành các liên kết sản xuất giữa các nhóm hộ nông dân . Các chính sách khuyến khích, đẩy mạnh tích tụ ruộng đất đó là: (i) Thu hút doanh nghiệp đầu tư cho sản xuất nông nghiệp, (ii) Triển khai thực hiện chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại, (iii) Khuyến khích phát triển các hình thức liên kết trong sản xuất.  Một số vấn đề trong quá trình tích tụ ruộng đất trên địa bàn tỉnh đó là: (1) Xu hướng chia nhỏ diện tích canh tác tại các hộ nông dân đang này càng gia tăng: với đặc điểm tập quán, tư tưởng của người Việt Nam nói chung và người dân Lâm Đồng nói riêng, quyền sử dụng đất được coi là một tài sản có giá trị lâu dài nên thường được các hộ tách sổ, chia nhỏ diện tích cho con cái khi lập gia đình. Do vậy, diện tích canh tác bình quân/hộ ngày càng có xu hưởng nhỏ dần, manh mún hơn trước, điều này là một khó khăn lớn trong quá trình thực hiện chủ trương đẩy mạnh tích tụ ruộng đất trong thời gian tới, (2) Phần lớn các mô hình tích tụ ruộng đất trên địa bàn tỉnh như đã nêu trên đều mới hình thành và phát triển ở quy mô nhỏ, tỷ lệ các doanh nghiệp, trang trại, hộ gia đình có diện tích đất canh tác lớn, tập trung còn rất thấp. Diện tích canh tác nông nghiệp của tỉnh phần lớn vẫn do các hộ gia đình nông dân nắm giữ với quy mô nhỏ lẻ, manh mún là chủ yếu, (3) Hai chính sách về khuyến khích phát triển sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn gắn với liên kết, tiêu thụ sản phẩm,  khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn là chủ trướng đúng đắn, phù hợp với xu hướng phát triển sản xuất nông nghiệp trong giai đoạn hiện nay và đặc biệt là có tác động tích cực trong việc đẩy mạnh tích tụ ruộng đất. Tuy nhiên quá trình tổ chức triển khai thực hiện còn chậm.