Vào hồi 13h30 ngày 29/3 tại phòng họp khoa Quản lý đất đai đã tổ chức seminar khoa học “Tích lũy kim loại nặng trong rau do ảnh hưởng của nước tới ô nhiễm” do thạc sỹ Nguyễn Thị Giang trình bày. Tham dự buổi seminar có thành viên nhóm NCM  Quản lý tổng hợp tài nguyên đất, nước và dinh dưỡng cây trồng và các thầy, cô trong Khoa

Nghiên cứu đề cập kim loại nặng (KLN) là những nguyên tố hóa học có khối lượng nguyên tử tương đối cao hoặc khối lượng riêng lớn hơn 5 g/cm3, có khả năng tích lũy sinh học, tồn tại bền vững, không phân hủy và có thể gây rủi ro sinh thái. Mặc dù, KLN ở dạng vi lượng là những nguyên tố thiết yếu, có ý nghĩa sinh lý và sinh hóa, nhưng nó lại thường được coi là một trong những chất gây ô nhiễm chính đối với tài nguyên nước.

 

leftcenterrightdel
Người dân chăm sóc rau tại vùng nghiên cứu 

Rau là một phần quan trọng trong chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng và bền vững của con người. Rau cần được tiêu thụ thường xuyên và do đó khả năng tích tụ độc tố tiềm ẩn trong rau rất cao. Nhiều nghiên cứu trên Thế giới và ở Việt Nam thấy rằng khi rau được trồng ở những khu vực bị ảnh hưởng bởi tưới nước thải chứa KLN, nồng độ của chúng tăng gần vùng rễ và khi đó rau hấp thụ chất dinh dưỡng cùng với tích lũy KLN trong các bộ phận của cây vượt quá giới hạn cho phép.

 

leftcenterrightdel
  Khai thác nước sông Cầu Bây bị ô nhiễm tưới cho rau

Kim loại nặng tích tụ trong các phần ăn được của rau ăn lá nhiều hơn so với ngũ cốc hoặc cây ăn quả. Khảo sát nguồn nước sông Cầu Bây (đoạn chảy qua xã Đa Tốn của huyện Gia Lâm) trong mùa khô năm 2019 và 2020 cho thấy nước sông Cầu Bây hiện có hàm lượng Cd (0,032>0,01 mg/l) vượt quá giới hạn cho phép theo QCVN 08-MT:2015/BTNMT cột B1 (tiêu chuẩn nước dùng cho tưới tiêu). Khi được khai thác để tưới thì cả ba loại rau là cải xanh, mồng tơi và xà lách đều có hàm lượng Cd vượt ngưỡng an toàn theo QCVN 8-2 :2011/BYT. Cải xanh có xu hướng tích lũy Cd cao hơn so với mồng tơi và xà lách. Tiêu thụ sản phẩm rau có hàm lượng KLN vượt GHCP sẽ tiềm ẩn nguy cơ rủi ro sức khỏe.

Nghiên cứu được trình bày đặc biệt có ý nghĩa khoa học, đã cung cấp số liệu quan trọng nhằm đánh giá sự tích lũy kim loại nặng trong rau do ảnh hưởng của nước tưới ô nhiễm,  từ đó lựa chọn được nguồn nước tưới cho rau đạt yêu cầu chất lượng để giảm nguy cơ rủi ro sức khỏe khi tiêu thụ sản phẩm này.