Với mục đích trao đổi, thảo luận và nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ của bộ môn về vấn đề áp dụng công nghệ mới trong lĩnh vực trắc địa bản đồ về lĩnh vực đô thị hoá và mối liên kết không gian khu vực ven đô trong quá trình đô thị hoá, kiến thức về ứng dụng công nghệ máy bay không người lái (UAV) phục vụ công tác lập bản đồ địa hình tỷ lệ lớn để phục vụ tốt cho công tác quản lý đất đai tại các địa phương.
Ngày 29 tháng 10 năm 2020, tại phòng họp Khoa, Bộ môn Trắc địa Bản đồ đã tổ chức buổi hội thảo khoa học 2 chuyên đề định kỳ tháng 10.
Đến tham dự buổi seminar có đại diện BCN khoa Quản lý đất đai, thành viên của bộ môn Trắc địa Bản đồ, thành viên nhóm NCM quy hoạch sử dụng lãnh thổ đất đai và môi trường. Sau đó các thầy cô phụ trách các chuyên đề đã trình bày kết quả nghiên cứu
Chuyên đề 1 (8h30-10h00): Liên kết không gian khu vực ven đô trong quá trình đô thị hoá ở Hà Nội - do PGS.TS. Trần Trọng Phương trình bày. Theo nghiên cứu của tác giả, tốc độ đô thị hoá của thành phố Hà Nội trong giai đoạn 1995 - 2016 đã phát triển mạnh kể cả về quy mô và tính chất, trong khoảng thời gian 20 năm Hà Nội đã có tốc độ tăng dân số >10%, cấu trúc kinh tế xã hội và không gian lãnh thổ Hà Nội có sự thay đổi mạnh, sự phát triển nóng không bền vững của vùng ven đô Hà Nội đã gây nhiều tác động tiêu cực đến vị thế của vùng thủ đô. Bên cạnh đó, cũng theo tác giả khi xét theo mức độ lan tỏa của đô thị hóa từ cấp độ vùng thủ đô thì vùng ven đô có phạm vi rộng lớn có thể chia thành 3 vành đai: Vành đai 1(Liền kề với khu vực lõi trung tâm), Vành đai 2 (Tiếp giáp ranh giới tăng trưởng đô thị Hà Nội), Vành đai 3 (Hành lang xanh Hà Nội). Mức độ lan tỏa đô thị hóa ở vùng ven đô gắn liền với sự gia tăng của hoạt động đô thị, gia tăng dân số tham gia các hoạt động phi nông nghiệp, đất nông nghiệp bị thu hồi, các khu chức năng mới mang tính toàn cầu ngày càng mở rộng. Ngoài ra, qua nghiên cứu còn cho thấy mức độ đô thị hóa vùng ven đô Hà Nội không những ngày càng nhanh mà còn đa dạng về quy mô. Hơn nữa, tác giả còn cho thấy vấn đề đô thị hóa cũng có một số tồn tại như mức độ đô thị hóa vùng ven đô còn manh mún, chưa đồng bộ, đô thị hóa làm thay đổi hệ sinh thái, diện tích đất nông nghiệp bị mất nhiều ảnh hưởng đến đời sống việc làm của người nông dân. Đặc biệt, tác giả đã xác định được mối liên kết không gian của khu vực ven đô và khu vực nội đô Hà Nội được thể hiện qua 4 khía cạnh đó là: Khu vực ven đô là khu vực chính hỗ trợ giảm thiểu sức ép dân số; Là khu vực giảm thiểu mật độ xây dựng, cải thiện môi trường sống; Là khu vực hỗ trợ tăng điều kiện nghỉ ngơi, giải trí; Là khu vực hỗ trợ giảm tải về hạ tầng kỹ thuật cho khu vực nội đô. Từ kết quả nghiên cứu, tác giả đã cũng đề xuất được các quan điểm và những giải pháp phù hợp cho phát triển khu vực ven đô Hà Nội trước sức ép của đô thị hóa và công nghiệp hoá.
Seminar do PGS.TS. Trần Trọng Phương trình bày có nhiều ý nghĩa khoa học và thực tiễn và góp phần quan trọng củng cố thêm các kiến thức trong nghiên cứu về lĩnh vực đô thị hóa, mối liên kết không gian khu vực ven đô trong quá trình đô thị hoá và nông nghiệp nông thôn.
Chuyên đề 2 (10h-11h30): Ứng dụng công nghệ máy bay không người lái (UAV) phục vụ công tác lập bản đồ địa hình tỷ lệ lớn - do TS. Phan Văn Khuê trình bày.
|
|
TS. Phan Văn Khuê trình bày chuyên đề |
Kết quả nghiên cứu, tác giả đã sử dụng công nghệ UAV để tiến hành bay chụp ảnh, xử lý và sử dụng ảnh DEM và trực giao (Orthomosaic) để thành lập bản đồ địa hình tỷ lệ 1/500. Nhóm nghiên cứu đã tiến hành khảo sát thực địa, căn cứ vào mục đích của công tác thành lập bản đồ để tính toán các thông số lập kế hoạch bay bằng Drone và chụp ảnh bằng UAV; Sử dụng máy ảnh kỹ thuật số FC6310 (Focal Length 8.8 mm) gắn trên máy bay không người lái Phantom 4 Pro để bay chụp. Ảnh số sau khi chụp được ghép tự động, tạo ảnh DEM và ảnh trực giao (Orthomosaic) bằng phầm mềm Agisoft Metashape của MicaSense – Thụy sỹ. Từ ảnh DEM (Digital Elevation Model), tiến hành chạy độ cao theo lưới ô vuông định sẵn (10x10m) cho khu vực nghiên cứu bằng phần mềm Agisoft Metashape, sau đó kết quả sơ đồ điểm độ cao và bản đồ địa hình được biên tập trên AutoCad và MicroStation; Chỉ tiêu kỹ thuật và tiêu chuẩn đánh giá chất lượng bản đồ địa hình tại khu vực nghiên cứu được đảm bảo theo Thông tư 68/2015/TT-BTNMT 22 tháng 12 năm 2015. Qua nghiên cứu cũng cho thấy việc sử dụng công nghệ UAV thể hiện nhiều ưu điểm như: rút ngắn thời gian để thành lập bản đồ địa hình, quá trình xử lý ảnh để thành lập bản đồ không phức tạp, có nhiều công đoạn tự động nên hạn chế sai sót và sự can thiệp của con người; công nghệ này còn phù hợp cho địa khu vực khó tiếp cận hoặc môi trường nguy hiểm.
Thành viên tham gia cũng đánh giá đây là nghiên cứu có ý nghĩa khoa học và thực tiễn, đồng thời, nghiên cứu này sẽ góp phần quan trọng phục vụ tốt cho công tác giảng dạy, đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao kỹ thuật vào thực tiễn sản xuất tại các địa phương trong thời gian tới.