Nghiên cứu "Quản lý xói mòn đất và tăng hiệu quả kinh tế cho người nông dân vùng cao bằng hệ thống trồng xen: Ví dụ từ sản xuất sắn ở miền núi phía Bắc Việt Nam” do ThS. Nguyễn Thành Trung-  nhóm Nghiên cứu mạnh Đất, nước, dinh dưỡng cây trồng khoa Tài nguyên và Môi trường, Học viện Nông nghiệp Việt Nam trình bày trong tuần 51 

leftcenterrightdel
ThS. Nguyễn Thành Trung trình bày nghiên cứu
ThS. Nguyễn Thành Trung trình bày nghiên cứu 

Trên các vùng đất dốc, sắn, loại cây lương thực phổ biến cho người nông dân vùng cao, thường làm thúc đẩy việc xói mòn đất. Hơn nữa, trồng thuần sắn trong thời gian lâu dài làm tình trạng xói mòn đất càng trở nên trầm trọng và làm giảm độ phì nhiêu đất. Trồng xen, một trong các biện pháp canh tác quan trọng trong nông nghiệp sinh thái (đặc biệt là trồng xen với các cây bộ đậu), có thể làm giảm sự xói mòn đất một cách hiệu quả bằng tăng độ che phủ đất và tăng cường độ phì nhiêu đất. Năm 2017, một thí nghiệm đồng ruộng đã được tiến hành ở xã Mậu Đông, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, nhằm đánh giá tính khả thi của việc trồng xen đậu đen với sắn. Kết quả cho thấy hiệu quả cao của hệ trồng xen sắn-đậu đen tới việc hạn chế sự xói mòn đất và vẫn đảm bảo được năng suất sắn. Năm 2018, thí nghiệm đồng ruộng được tiến hành nhằm đánh giá hiệu quả của hệ trồng xen sắn-đậu đen tới sinh trưởng và phát triển của sắn, sự xói mòn đất và dinh dưỡng, cùng hiệu quả kinh tế cho bà con nông dân. Thí nghiệm được bố trí theo kiểu CRD với 3 lần nhắc lại, gồm 4 công thức: sắn trồng thuần trên đất dốc thoải, sắn trồng thuần trên đất dốc cao, trồng xen sắn-đậu trên đất dốc thoải và trồng xen sắn-đậu trên đất dốc cao. Kết quả cho thấy trồng xen sắn với đậu trên cả nương có độ dốc thoải và độ dốc cao đều làm tăng độ che phủ đất (lần lượt là 2,2 và 1,7 trên 10 với độ dốc thoải và độ dốc cao), giảm lượng đất bị xói mòn (lần lượt là 40,0% và 58,2%) và giảm lượng dinh dưỡng bị mất (15,9-35,6% với N, 0-18,8% với P, và 14,8-22,5% với K). Phân tích hồi quy cho thấy sự tương quan có ý nghĩa thống kê giữa lượng đất bị xói mòn với độ che phủ đất và các dinh dưỡng bị mất cùng đất xói mòn. Hệ trồng xen sắn-đậu còn tăng cường sinh trưởng, phát triển và năng suất sắn, hệ số thu hoạch và hàm lượng chất khô trong củ sắn. Trồng xen sắn-đậu đen duy trì năng suất sắn và tăng rõ rệt thu nhập cho người nông dân (lần lượt là 718 và 771 US$) và tỷ số B:C (22,3% và 37,5%). Nghiên cứu đã cho thấy tiềm năng to lớn của hệ trồng xen sắn-đậu đen, có thể trở thành chiến lược hợp lý cho phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững của người nông dân vùng cao ở miền núi phía Bắc Việt Nam, đặc biệt về quản lý xói mòn đất và tăng hiệu quả kinh tế.

leftcenterrightdel
Các mô hình trồng thí nghiệm
Các mô hình trồng thí nghiệm