Seminar khoa học nhóm nghiên cứu mạnh về Công nghệ, kỹ thuật xử lý môi trường
Cập nhật lúc 18:48, Thứ hai, 11/06/2018 (GMT+7)
Các nội dung được TS. Vũ Thị Hoàn và TS. Đinh Hồng Duyên trình bày tại buổi thảo luận đều đi sâu vào lĩnh vực vi sinh vật ứng dụng. Kết quả thử nghiệm ở quy mô nhỏ đều cho thấy những thành công đáng kể trong ứng dụng hệ vi sinh vật tự nhiên hoặc đã phân lập, tuyển chọn trong xử lý môi trường với hiệu quả cao hơn đáng kể so với đối chứng, chi phí xử lý nhỏ hơn so với các công nghệ khác, có tiềm năng ứng dụng nhất định trong thực tế.
Chiều ngày 08/06/2018, nhóm nghiên cứu mạnh về Công nghệ, kỹ thuật xử lý môi trường đã tổ chức Seminar khoa học tại Khoa Môi Trường với các bài trình bày như sau:
1. TS. Vũ Thị Hoàn trình bày kết quả nghiên cứu “Xử lý ô nhiễm kim loại bằng biện pháp sinh học” với nội dung kết hợp nấm rễ cộng sinh trên cỏ hương bài (Ventiver) nhằm loại bỏ kim loại nặng trong chất thải đuôi quặng.
2. TS. Đinh Hồng Duyên trình bày “Tổng quan về bùn hoạt tính và màng sinh học” với các nội dung liên quan lý thuyết về bùn hoạt tính và màng sinh học và kết quả một nghiên cứu áp dụng xử lý trên nước thải làng nghề chế biến lương thực, thực phẩm.
3. TS. Hoàng Xuân Anh (khoa Cơ điện) trình bày “Thực trạng và giải pháp xử lý môi trường tại các cơ sở sản xuất than củi ép” và thảo luận các vấn đề liên quan giải pháp kỹ thuật xử lý khí thải từ công đoạn sấy và nhiệt phân nguyên vật liệu tạo than củi ép.
Các nội dung được TS. Vũ Thị Hoàn và TS. Đinh Hồng Duyên trình bày tại buổi thảo luận đều đi sâu vào lĩnh vực vi sinh vật ứng dụng. Kết quả thử nghiệm ở quy mô nhỏ đều cho thấy những thành công đáng kể trong ứng dụng hệ vi sinh vật tự nhiên hoặc đã phân lập, tuyển chọn trong xử lý môi trường với hiệu quả cao hơn đáng kể so với đối chứng, chi phí xử lý nhỏ hơn so với các công nghệ khác, có tiềm năng ứng dụng nhất định trong thực tế. Buổi thảo luận có sự tham gia của 12/19 thành viên nhóm nghiên cứu mạnh về Công nghệ, kỹ thuật xử lý môi trường và một số giảng viên và sinh viên trong khoa Môi trường, với mối quan tâm chủ yếu liên quan đến sự khác biệt giữa điều kiện thí nghiệm với điều kiện thực tế (các yếu tố gây nhiễu, biện pháp giải quyết ô nhiễm thứ cấp…) nhằm đưa kết quả nghiên cứu gần hơn với thực tiễn. Ngoài ra, nhiều ý kiến còn nhấn mạnh giải pháp để đưa các công nghệ (sản phẩm) sẵn có trong nhóm vào thực tiễn cũng như phạm vi và điều kiện áp dụng của công nghệ.
Bên cạnh đó, phần trình bày của TS. Hoàng Xuân Anh đặt ra một vấn đề cấp thiết, thực tiễn đối với các cơ sở chế biến than củi ép – một ngành sản xuất đặc thù địa phương đang phát triển với tốc độ cao trên địa bàn cả nước – gây ảnh hưởng đến môi trường xung quanh cũng như sức khỏe của người sản xuất. Các thành viên tham gia buổi thảo luận đã đóng góp một số ý kiến liên quan đến việc thay đổi công nghệ sản xuất (kiểm soát quá trình sản xuất) và xử lý cuối đường ống (hấp phụ hoặc hấp thụ các chất ô nhiễm trong khí thải) để giảm thiểu ảnh hưởng từ khí thải của các cơ sở đến môi trường. Buổi thảo luận là tiền đề cho sự hợp tác sâu hơn giữa lĩnh vực khoa học công nghệ môi trường với lĩnh vực cơ khí thiết bị xử lý môi trường, đưa công nghệ môi trường tiếp cận sâu hơn với thực tiễn sản xuất.
Một số hình ảnh trong hội thảo