Sáng ngày 05/04/2024 nhóm NCM Công nghệ sinh học Môi trường và Nông nghiệp, Khoa Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức buổi Seminar khoa học với bài trình bày của PGS.TS. Nguyễn Thị Minh với đề tài Nghiên cứu xử lý nước thải chế biến lợn sữa tại phòng họp bộ môn Vi sinh vật.

leftcenterrightdel
Toàn cảnh buổi seminar  

Chăn nuôi lợn nước ta gần đây gặp nhiều khó khăn do giá nguyên liệu thức ăn tăng cao, dịch bệnh xảy ra thường xuyên mà sức tiêu thụ lại giảm. Giá thịt lợn không ổn định, thậm chí có giai đoạn liên tục giảm mạnh làm người chăn nuôi khó tái đàn. Thịt lợn chế biến là một trong những món hàng xuất khẩu quan trọng của ngành chăn nuôi lợn ở Việt Nam, chủ yếu là xuất khẩu chính ngạch thịt lợn sữa và thịt lợn choai đông lạnh sang Hồng Kông và Malaysia. Tuy nhiên, đối với sản phẩm thịt tươi sống, các nước nhập khẩu có yêu cầu rất khắt khe về điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Nước thải chế biến thịt lợn là một trong những yếu tổ ảnh hưởng lớn đến chất lượng sản phẩm nếu như không được kiểm soát. Nước thải sau chế biến có chứa nhiều hợp chất hữu cơ chủ yếu là protein và chất béo từ phụ phẩm nên thành phần COD, BOD, TSS và vi sinh vật gây hại khá cao gây ô nhiễm môi trường nước và đặc biệt trong quá trình phân hủy tạo ra mùi hôi thối, làm ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. Hệ thống xử lý nước thải hiện có của các cơ sở chế biến thịt lợn vẫn chưa xử lý triệt để được mùi hôi và chất hữu cơ trong nước thải phát sinh. Việc sử dụng các chất hóa học đang áp dụng không những không khử được mùi mà còn làm ảnh hưởng đến hệ vi sinh vật tự nhiên có sẵn trong nước thải.

Nghiên cứu đã tuyển chọn tổ hợp các chủng vi sinh vật có khả năng khử mùi và phân hủy nhanh chất hữu cơ thuộc nhóm vi khuẩn Bacillus, LactobacillusStreptococcus để xử lý nước thải của cơ sở chế biến lợn sữa. Các chủng vi khuẩn này đều có hoạt tính enzyme ngoại bào cao phân huỷ mạnh các chất hữu cơ (đường kính vòng phân giải cơ chất >2,5cm), khử mùi nhanh, có khả năng thích ứng pH và nhiệt độ rộng, kháng kháng sinh và đối kháng với vi sinh vật gây bệnh cao.

            Kết quả xử lý thử nước thải chế biến lợn sữa bằng tổ hợp vi sinh vật hữu ích cho thấy hiệu quả xử lý khá tốt: các chỉ tiêu COD, BOD, Coliform có hiệu quả đạt >85%; tổng N >70% và cao hơn hẳn so với chế phẩm đang lưu hành. Tuy nhiên, tổng P và TSS chỉ đạt >65% sau 7 ngày xử lý do nồng độ ban đầu quá cao. Vì vậy, vẫn cần có những nghiên cứu sâu hơn trong quy trình công nghệ để đảm bảo tất cả các thông số của nước thải sau xử lý đạt quy định xả thải.

            Tại buổi seminar, các thành viên nhóm nghiên cứu và các đại biểu, sinh viên tham dự đã thảo luận sôi nổi về các công nghệ kỹ thuật xử lý nước thải hiện đại, đặc biệt là hiệu quả của ứng dụng công nghệ vi sinh trong xử lý nước thải chế biến, cũng như định hướng nghiên cứu chuyên sâu về quy trình công nghệ nhằm xử lý triệt để nguồn nước thải chế biến và tái sử dụng trong sản xuất nông nghiệp

                       PGS.TS. Nguyễn Thị Minh - nhóm NCM Công nghệ sinh học Môi trường và Nông nghiệp