Ngày 09 tháng 11 năm 2021, nhóm nghiên cứu mạnh Quản lý Tài Nguyên và Môi Trường đã tổ chức thành công buổi seminar sinh hoạt khoa học online qua Ms teams với các chuyên đề sau:

Chuyên đề 1: “Thực trạng phân bô chất thải nhựa một lần và túi nilông khó phân hủy trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh” do PGS.TS. Ngô Thế Ân trình bày.

Chuyên đề 2: “Đặc điểm nông nghiệp xanh và các tiêu chí đánh giá” do PGS.TS. Nguyễn Thanh Lâm trình bày.

Tham dự buổi seminar có đầy đủ các thành viên của nhóm nghiên cứu mạnh, cùng các giảng viên, cán bộ trong Khoa Tài Nguyên và Môi trường và một số thầy/cô Khoa khác có quan tâm đến nội dung của các chuyên đề.

Mở đầu buổi seminar, PGS.TS. Ngô Thế Ân đã trình bày kết quả nghiên cứu đề tài “Thực trạng phân bố chất thải nhựa một lần và túi nilông khó phân hủy trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh”. Tình trạng gia tăng chất thải nhựa một lần và túi ni-lông khó phân hủy (CTN) là một thách thức lớn trong công tác quản lý môi trường hiện nay. Mục tiêu của bài trình bày này giới thiệu về kết quả kiểm kê CTN trên địa bàn tình Bắc Ninh bằng phương pháp điều tra thực địa tại 32 xã điển hình với tổng số 3200 hộ dân. Hệ số tải lượng tính từ số liệu kiểm kê được sử dụng để thành lập các bản đồ tải lượng phát sinh, tỷ lệ thu gom và tải lượng xả thải theo xã và theo cụm dân cư. Kết quả phân tích từ bản đồ cho thấy tải lượng phát sinh CTN chủ yếu tập trung cao ở phía tây bắc của tỉnh (huyện Yên Phong, TP Bắc Ninh, TX Từ Sơn và huyện Tiên Du) với định mức lên tới 570 – 1817 tấn/xã/năm. Ở khu vực này, mật độ tải lượng tính trên các cụm dân cư cũng có xu thế cao hơn vùng khác, với mức 4,36 – 11,90 tấn/ha/năm. Tỷ lệ thu gom ở các huyện Lương Tài, Gia Bình và Tiên du thấp hơn hẳn các huyện khác, cá biệt chỉ đạt mức 35 – 63% ở một số xã xa trung tâm. Tải lượng xả thải ra môi trường ở các xã thuộc huyện Lương Tài và Yên Phong khá cao, dao động trong khoảng từ 52 – 79 tấn/năm và đạt mật độ trong các cụm dân cư từ 0,40 – 0,76 kg/ha/năm. Thực trạng phân bố này đưa ra gợi ý cần có những ưu tiên cao cho các xã thuộc huyện Lương Tài và Yên Phong nếu tỉnh có mục tiêu giảm thiểu tác động của CTN trong những năm tới.

leftcenterrightdel
Bài trình bày của PGS.TS. Ngô Thế Ân
 Bài trình bày của PGS.TS. Ngô Thế Ân

Tiếp theo là bài trình bày của PGS.TS Nguyễn Thanh Lâm về “Đặc điểm nông nghiệp xanh và các tiêu chí đánh giá”. Bài trình bày gồm các phần: (i) tính cấp thiết chuyển đổi nền nông nghiệp đương đại sang nền nông nghiệp theo định hướng xanh bền vững, hiện thực hoá chiến lược phát triển tang trưởng xanh của chính phủ và nghị quyết 13 của Đại hội Đảng về nông nghiệp, nông thôn; (ii) Đặc điểm của nông nghiệp xanh trong phát triển bền vững và tăng trưởng xanh; (iii) Các tiêu chí đánh giá nông nghiệp xanh. Trên thế giới kinh tế xanh và nông nghiệp xanh đã được áp dụng từ những năm 80’s để khắc phục những hệ luỵ do kinh tế nâu, nền nông nghiệp hiện đại với việc lạm dụng hoá chất bảo vệ thực vật và phân bón. Mục tiêu của nông nghiệp xanh nhằm đảm bảo an ninh lương thực, duy trì đa dạng sinh học, giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ môi trường. Nhiều hợp phần hay thành tố của nông nghiệp xanh đã được thực hiện với các quy mô khác nhau và được đánh giá theo các tiêu chí: (i) ứng dụng KHCN và công nghệ mới, năng lượng tái tạo; (ii) Đối mới sáng tạo hệ canh tác (IPM, nông nghiệp hữu cơ, Vietgaps, tưới tiết kiệm, SRI); (iii) thay đổi chính sách và thể chế hỗ trợ phát triển nông nghiệp xanh. Tuy nhiên nông nghiệp xanh tại Việt Nam vẫn gặp các rào cản về nhận thức, cơ sở hạ tầng, cơ chế hỗ trợ các thành phần kinh tế phát triển kinh tế theo định hướng xanh còn đang dừng ở mức khiêm tốn. Bài trình bày đã đúc kết kinh nghiệp Thế giới trong phát triển nông nghiệp xanh (AGD) bao gồm 3 trụ cột chính (hệ sản xuất lương thực, hệ xã hội nhân văn và hệ tự nhiên và phát triển hợp tác với nghiên cứu, công nghiệp, người nông dân, chính phủ và doanh nghiệp. 

leftcenterrightdel
 

Sau mỗi phần trình bày của các báo cáo viên, các thầy/cô tham dự buổi seminar đã có những trao đổi liên quan đến các chủ đề được đề cập. Buổi seminar khoa học đã cung cấp thêm nhiều kiến thức mới, chuyên sâu làm cơ sở để định hướng cho các nghiên cứu tiếp theo của các thành viên trong nhóm.