Ngày 31 tháng 12 năm 2021 bộ môn Quy hoạch đất đai, Khoa Tài nguyên và Môi trường, nhóm NCM Quy hoạch không gian lãnh thổ sử dụng đất và môi trường, đã tổ chức Seminar khoa học ” Đánh giá việc lồng ghép yếu tố liên kết vùng trong quy định pháp lý về quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia, vùng kinh tế - xã hội qua các thời kỳ” do PGS.TS. Đỗ Thị Tám trình bày.

 Tham dự Seminar gồm các thành viên của nhóm NCM cùng các thầy giáo, cô giáo và sinh viên trong khoa Tài nguyên và Môi trường.

leftcenterrightdel
  PGS.TS. Đỗ Thị Tám trình bày báo cáo tại hội thảo
  PGS.TS. Đỗ Thị Tám trình bày báo cáo tại hội thảo 

Trong phần mở đầu tác giả đã khái quát Quy hoạch sử dụng đất (QHSDĐ) là “việc phân bổ và khoanh vùng đất đai theo không gian sử dụng cho các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu trên cơ sở tiềm năng đất đai và nhu cầu sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực đối với từng vùng kinh tế xã hội và đơn vị hành chính trong một khoảng thời gian xác định”. Đồng thời khẳng định vai trò của QHSDĐ: Không đơn thuần là một hoạt động kinh tế - kỹ thuật, QHSDĐ còn là một hoạt động quản lý có ý nghĩa kinh tế, chính trị, thể hiện ý chí của nhà nước về phát triển trong tương lai; là hệ thống các giải pháp để quản lý tài nguyên đất đai. Và chỉ ra 4 góc độ của QHSDĐ. Dưới góc độ kỹ thuật, QHSDĐ là việc tổ chức SDĐ cho những mục tiêu KTXH định trước của một vùng lãnh thổ. Dưới góc độ kinh tế, QHSDĐ là quá trình tối đa hóa giá trị của đất. Dưới góc độ xã hội, QHSDĐ đảm bảo cân bằng nhu cầu đất đai cho các nhóm lợi ích, cân bằng giữa nhu cầu của cộng đồng dân cư và nhu cầu của toàn xã hội. Dưới góc độ pháp lý, lập và thực hiện QHSDĐ là quá trình hoàn thiện bộ máy quản lý nhà nước và thực hiện dân chủ hóa trong quản lý đất đai. Các quy định pháp luật về lập, xét duyệt và tổ chức thực hiện QHSDĐ trở thành công cụ quản lý nhà nước đảm bảo cho sự phát triển đồng bộ, ổn định và an toàn.

   Tác giả đã làm rõ khái niệm Liên kết vùng là phát triển mối quan hệ không gian kinh tế với không gian tự nhiên, sinh thái, xã hội và không gian chính sách, thể chế để tạo ra lợi thế cạnh tranh động cho vùng, quốc gia, là cơ sở phát triển kinh tế xã hội bền vững. Thực chất liên kết vùng là là sự liên kết giữa các chủ thể kinh tế khác nhau trong một vùng, dựa trên lợi ích kinh tế là chính, nhằm phát huy lợi thế so sánh, tạo ra tính cạnh tranh kinh tế cao hơn cho một vùng. Đồng thời chỉ rõ lồng ghép liên kết vùng trong QHSDĐ là việc lồng ghép liên kết vùng vào các quyết định liên quan đến QHSDĐ.

Trong nội dung thứ 2 tác giả đã chỉ rõ trong giai đoạn 1987-2003, lồng ghép yếu tố liên kết vùng tuy chưa được đề cập cụ thể, rõ ràng trong các văn bản pháp lý về QHSDĐ cấp quốc gia, vùng kinh tế xã hội nhưng cũng được đề cập đến thông qua các quy định về nội dung và các nguyên tắc của QHSDĐ. Việc triển khai QHSDĐ ở các cấp và các nguyên tắc thống nhất, phù hợp và không gây ảnh hưởng đến các cùng lân cận; hay quy định người sử dụng đất có nghĩa vụ không làm tổn hại đến lợi ích chính đáng của người sử dụng đất xung quanh là minh chứng cho việc lồng ghép yếu tố liên kết vùng trong QHSDĐ.

Trong giai đoạn 2003-2013, các yếu tố về liên kết vùng tuy chưa được đề cập cụ thể, rõ ràng nhưng công tác QHSDĐ đã được triển khai đồng bộ các cấp, chú trọng đến việc phân định hệ thống chỉ tiêu sử dụng đất các cấp theo hướng quy hoạch cấp dưới cần chi tiết, cụ thể hơn QHSDĐ cấp trên. Điều 2, Thông tư 19/2009 chỉ rõ Cấp trên trực tiếp phải xác định các chỉ tiêu sử dụng đất cần phân bổ để làm cơ sở cho cấp dưới lập QHSDĐ. Điều đó phản ánh rõ nét tính liên vùng, liên cấp trong quy hoạch. Việc triển khai QHSDĐ ở các cấp và các nguyên tắc thống nhất, phù hợp và không gây ảnh hưởng đến các vùng lân cận là minh chứng cho việc lồng ghép yếu tố liên kết vùng trong QHSDĐ. Điều 6, mục 5, khoản h của Thông tư 19 quy định việc đánh giá môi trường chiến lược đối với phương án QHSDĐ được thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường đã thể hiện tính liên kết trong việc lồng ghép các văn bản pháp luật. Điều 6, mục 5 của Thông tư 19/2009 quy định Đánh giá tác động của phương án QHSDĐ đến kinh tế xã hội, môi trường thể hiện sự liên kết của các ngành, các đối tượng sử dụng đất trong phương án QHSDĐ.

Trong giai đoạn 2013-nay, các yếu tố về liên kết vùng được đề cập đến cụ thể và rõ ràng hơn, đặc biệt trong Luật Quy hoạch, Luật môi trường. Điều đó phản ánh rõ nét tính liên vùng, liên cấp trong quy hoạch. Trong Điều Điều 21. Yêu cầu về nội dung quy hoạch: (i) Phải bảo đảm thống nhất giữa kết cấu hạ tầng, phân bổ đất đai và bảo vệ môi trường, dịch vụ hệ sinh thái. (ii) Bảo đảm sự liên kết, tính đồng bộ và hệ thống giữa các ngành và các vùng trong cả nước, giữa các địa phương trong vùng. (iii) Bảo đảm sự cân bằng giữa các yếu tố KTXH, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường trong quá trình lập quy hoạch. (iv) Bảo đảm kết hợp hài hòa giữa lợi ích của nhà nước và lợi ích của cộng đồng; giữa lợi ích của các vùng, các địa phương; phù hợp với yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế của đất nước. Quá trình lập quy hoạch phải được kết hợp với các chính sách khác. (v) Nội dung của từng loại quy hoạch phải thống nhất, liên kết với nhau. Trong Điều 22, chỉ rõ Định hướng phân vùng và liên kết vùng.

Liên kết vùng trong QHSDĐ là một nhiệm vụ mới, đòi hỏi phải có định hướng mới. Do vậy việc xây dựng bộ tiêu chí, chỉ tiêu sử dụng đất cho QHSDĐ cấp quốc gia, vùng kinh tế xã hội gắn với liên kết vùng là rất cần thiết nhằm đảm bảo phát triển bền vững đất nước.

Sau phần trình bày của tác giả, các thầy/cô tham dự buổi seminar đã có những trao đổi liên quan đến các chủ đề được đề cập như cần chỉ rõ các tiêu chí, chỉ tiêu cụ thể để lồng ghép liên kết vùng trong quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia, vùng kinh tế xã hội.  Nghiên cứu có ý nghĩa rất lớn đối với ngành Quản lý đất đai trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Cần sớ xây dựng bộ tiêu chí, chỉ tiêu sử dụng đất cho QHSDĐ cấp quốc gia, vùng kinh tế xã hội có gắn với liên kết vùng.

leftcenterrightdel
PGS.TS. Nguyễn Quang Học, trưởng Bộ môn Quy hoạch đất đai điều hành seminar
 PGS.TS. Nguyễn Quang Học, trưởng Bộ môn Quy hoạch đất đai điều hành seminar