Ngày 28 tháng 9 năm 2018 tại khoa Quản lý đất đai, Bộ môn Trắc địa Bản đồ đã tổ chức seminar khoa học chào mừng kỷ niệm 5 năm thành lập Bộ môn. Tham gia seminar khoa học có các nhà Khoa học thuộc các cơ quan đến từ Trung tâm Biên giới địa giới Quốc gia, Cục Đo đạc Bản đồ và Thông tin Địa lý Việt Nam; Viện Khoa học đo đạc Bản đồ; Học viện kỹ thuật quân sự và các Nhà khoa học thuộc Khoa Quản lý Đất đai Học viện Nông nghiệp Việt Nam.
Seminar thảo luận về định hướng nghiên cứu và những kết quả nghiên cứu ứng dụng Trắc địa, Bản đồ và Viễn thám trong Quản lý đất đai và Quản lý tài nguyên trong thời gian qua.
Một số kết quả nghiên cứu được thể hiện qua các báo cáo của các tác giả đại diện cho các đơn vị tham gia. Mở đầu và khai mạc là báo cáo của PGS.TS Trần Trọng Phương, Trưởng Bộ môn Trắc địa Bản đồ trình bày khái quát giới thiệu về Bộ môn và các lĩnh vực nghiên cứu chính của Bộ môn trong thời gian qua là: (1) Nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới trong đo đạc thành lập bản đồ chuyên đề, xây dựng mô hình số độ cao phục vụ thiết kế, xây dựng nông thôn mới, (2) Ứng dụng công nghệ bản đồ, viễn thám trong xây dựng bản đồ và quản lý sử dụng đất; (3) Ứng dụng công nghệ GPS (RTK) phục vụ thành lập bản đồ địa chính; bản đồ trích đo địa chính phục vụ công tác GPMB; (4) Đánh giá ảnh hưởng quá trình đô thị hoá với vấn đề sử dụng đất nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ven đô và các giải pháp quản lý sử dụng đất thích ứng với biến đổi khí hậu phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp nông thôn.
PGS.TS. Trịnh Lê Hùng đến từ Học viện Kỹ thuật quân sự trình bày về giải pháp xử lý nâng cao độ phân giải nhiệt độ bề mặt bằng việc kết hợp ảnh vệ tinh Landsat 8 và Sentinel 2. Kết quả nghiên cứu cho thấy: Nhiệt độ bề mặt là một trong những yếu tố quan trọng nhất trong nghiên cứu hiện tượng đảo nhiệt đô thị, giám sát cháy rừng, cháy mỏ than cũng như là thông số đầu vào cho các mô hình khí hậu. Các quan trắc mặt đất chỉ phản ánh điều kiện nhiệt của khu vực cục bộ xung quanh trạm đo và trên thực tế cũng không thể thiết lập nhiều trạm quan trắc với mật độ dày do chí phí cao. Công nghệ viễn thám với những ưu điểm vượt trội như diện tích vùng phủ của một ảnh rộng, chu kỳ cập nhật ngắn đã được ứng dụng hiệu quả trong nghiên cứu sự phân bố nhiệt độ bề mặt. Mặc dù vậy, do độ phân giải không gian ở các kênh hồng ngoại nhiệt thấp, nhiệt độ bề mặt xác định từ các ảnh vệ tinh như Landsat, Aster thường khó áp dụng hiệu quả cho các nghiên cứu ở quy mô nhỏ. Sự kết hợp ảnh vệ tinh Landsat 8 và Sentinel 2 trong nâng cao độ phân giải nhiệt độ bề mặt cho thấy, trong trường hợp kết hợp sử dụng ảnh vệ tinh Sentinel 2 và Landsat 8, độ phân giải nhiệt độ bề mặt được nâng cao lên 10 m so với 30 m khi chỉ sử dụng ảnh Landsat 8. Đối với 2 khu vực thử nghiệm, so sánh giá trị nhiệt độ thấp nhất và cao nhất cũng như tại 10 điểm kiểm tra ngẫu nhiên cho thấy, độ chênh lệch nhiệt độ bề mặt khi kết hợp ảnh Landsat 8 và Sentinel 2 so với phương pháp truyền thống chỉ sử dụng ảnh Landsat 8 là không đáng kể.
Thực trạng và vai trò công tác quản lý địa giới hành chính được đánh giá qua báo cáo của đại diện Trung tâm Biên giới và Địa giới - Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam. Địa giới hành chính là cơ sở phân chia các đơn vị hành chính, là cơ sở pháp lý phân định phạm vi trách nhiệm của bộ máy hành chính nhà nước các cấp trong việc quản lý dân cư, đất đai, kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội ở từng địa phương. Công tác quản lý đất đai có quan hệ rất mật thiết với quản lý địa giới hành chính các cấp ở nước ta. Khi đường địa giới hành chính các cấp được quản lý hiệu quả, rõ ràng (không có tranh chấp địa giới hành chính các cấp) thì việc quản lý đất đai sẽ hiệu quả, cụ thể: (1) Diện tích tự nhiên của các đơn vị hành chính không bị biến động sau các kỳ kiểm kê đất tự nhiên theo định kỳ 5 năm, có nghĩa là diện tích kiểm kê các loại đất trong từng đơn vị hành chính cộng lại phải bằng diện tích tính tính theo đường địa giới hành chính của đơn vị hành chính đó; (2) Khi quản lý tốt về địa giới hành chính (không có tranh chấp về địa giới hành chính) thì sẽ không có sự quản lý chồng chéo về đất đai giữa địa phương này với địa phương khác;
Những ý kiến trao đổi, đánh giá cho thấy nội dung của seminar là những kết quả nghiên cứu có ý nghĩa quan trọng trong việc ứng dụng Trắc địa, Bản đồ và Viễn thám nói riêng và định hướng tăng cường ứng dụng công nghệ nói chung trong công tác Quản lý đất đai và Quản lý tài nguyên một cách tốt hơn, hiệu quả hơn.
MỘT SỐ HÌNH ẢNH TẠI BUỔI SEMINAR