Việt Nam có đa dạng chủng loại cây ăn quả (CAQ). Có tới trên 30 loại cây ăn quả khác nhau, thuộc 3 nhóm là: cây ăn quả nhiệt đới (chuối, dứa, xoài,…), cận nhiệt đới (cam, quýt, vải, nhãn,…) và ôn đới (mận, lê,…) phục vụ cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Các vùng trồng CAQ xuất khẩu chủ yếu tập trung tại khu vực phía Nam với các loại trái cây xuất khẩu chủ yếu như dứa, bưởi, xoài, thanh long,… Trong đó, cây cam sành là một trong những loại cây ăn quả được người tiêu dùng trong nước ưa chuộng,

Trong đề án “phát triển cây ăn quả chủ lực đến năm 2025 và năm 2030” (Ban hành kèm theo Quyết định số 4085/QĐ-BNN-TT ngày 27 tháng 10 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT) đã đưa cây cam vào danh sách 14 cây ăn quả chủ lực của Việt Nam để có kế hoạch phát triển trong tương lai. Theo đề án này, trên toàn quốc định hướng ổn định diện tích khoảng 100 ngàn ha cam với sản lượng 1,2 - 1,3 triệu tấn. Các tỉnh sản xuất cam trọng điểm của vùng trung du miền núi phía Bắc được xác định là Hòa Bình, Tuyên Quang và Hà Giang

Huyện Hàm Yên tỉnh Tuyên quang là vùng cam trọng điểm của miền bắc với diện tích cam sành lên tới hơn 6.155ha (năm 2022) với sản lượng đạt 74.200 tấn. Tháng 1/2021 đại diện Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ đã công bố quyết định và trao Giấy chứng nhận đăng ký Chỉ dẫn địa lý Cam sành Hàm Yên cho UBND huyện Hàm Yên. Đây là sản phẩm nông nghiệp đầu tiên của tỉnh được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý.

-      Để xác định vùng trồng cam có hiệu quả, bền vững cho địa phương cần xác định các vùng trồng có mức độ thích hợp cao với yêu cầu sinh thái của cam kết hợp các biện pháp canh tác phù hợp. Để xác định được các đặc tính đất đai theo yêu cầu sử dụng đất của cây cam. Bản đồ đơn vị đất đai tỷ lệ 1/25.000 đã được xây dựng trên cơ sở chồng xếp 7 bản đồ đơn tính là: bản đồ loại đất, thành phần cơ giới, độ dày tầng đất, độ cao tuyệt đối, độ dốc và chế độ tưới. Áp dụng đánh giá thích hơp đất đai cho cây cam theo phương pháp đánh giá thích hợp đất đai của FAO nhóm nghiên cứu  đã  xây dựng được bản đồ thích hợp đất đai cho cây cam ở huyện Hàm yên tỷ lệ 1/25.000. Bản đồ này cho phép xác định các diện tích có thể pháp triển cây cam ở các mức thích hợp khác nhau, cụ thể: diện tích ở mức rất thích hợp (S1) là 25,96 ha chiếm 0,04% tổng diện tích đất nông nghiệp điều tra; mức thích hợp (S2) 20.704,65 ha chiếm 29,69%; mức ít thích hợp (S3) 37.479,70 ha chiếm 53,74% và mức không thích hợp (N) 11.528,94 ha chiếm 16,53%.

leftcenterrightdel

                                Hình 1                                                                                     Hình 2

Hình 1: Sơ đồ Đơn vị đất đai của huyện Hàm Yên (thu nhỏ từ bản đồ tỷ lệ 1/25.000) 

Hình 2: Sơ đồ phân hạng thích hợp đất đai cho cây cam của huyện Hàm Yên (thu nhỏ từ bản đồ tỷ lệ 1/25.000)

Tiềm năng đất phục vụ mở rộng vùng trồng cam đến năm 2030 ở huyện Hàm Yên là rất lớn (58.184,35 ha hạng rất thích hợp và thích hợp). Theo bản “Quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 - 2030 của huyện Hàm Yên, đến năm 2030” diện tích đất được bố trí sử dụng trồng cam trên toàn huyện Hàm Yên là 7.710 ha.

Căn cứ vào kết quả phân hạng mức độ thích hợp của đất đai với cây cam sành trên địa bàn các xã để xác định diện tích sẽ mở rộng vùng cam. Để đảm bảo hiệu quả kinh tế, diện tích mở rộng mới chỉ tập trung vào vùng có mức thích hợp và rất thích hợp (S1 và S2), có điều kiện giao thông thuận lợi.

Để thực hiện quy hoạch phát triển cây cam tỉnh Tuyên Quang đến 2030 cần mở rộng 1.555 ha trồng mới cam ở 7 xã Bằng Cốc, Minh Dân, Minh Hương, Minh Khương, thị trấn Tân Yên, Yên Lâm, Yên Phú và tái canh một số vườn cam già cỗi tại xã Phù Lưu (sau khi luân canh cải tạo đất 3-5 năm) trên diện tích S1 và S2. Để nâng cao hiệu quả trên diện tích đã canh tác, tăng năng suất và chất lượng cam, trong tương lai cần tiến hành các biện pháp giữ ẩm cho đất, cải thiện hệ thống tưới để đảm bảo cung cấp đủ nước cho cam, từ đó làm tăng mức độ thích hợp đất đai. Để giảm áp lực tiêu thụ cam, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người trồng cam cũng khuyến cáo thêm các biện pháp rải vụ, nâng cấp hệ thống bảo quản cam cho huyện Hàm yên ở các xã có diện tích cam lớn và tập trung.

                         PGS.TS. Cao Việt Hà - Nhóm NCM Quản lý tổng hợp tài nguyên đất, nước, dinh dưỡng cây trồng