Seminar chuyên đề: Chế tạo và ứng dụng vật liệu xử lý môi trường
Cập nhật lúc 16:31, Chủ nhật, 12/12/2021 (GMT+7)
Ngày 25/11/2021, nhóm nghiên cứu mạnh Công nghệ kĩ thuật xử lý môi trường, khoa Tài nguyên và Môi trường tổ chức buổi seminar chuyên đề với nội dung xoay quanh “chế tạo và ứng dụng một số vật liệu trong xử lý môi trường” do ThS Nguyễn Thị Thu Hà và ThS. Hồ Thị Thúy Hằng trình bày
Ngày 25/11/2021, nhóm nghiên cứu mạnh Công nghệ kĩ thuật xử lý môi trường, khoa Tài nguyên và Môi trường tổ chức buổi seminar chuyên đề với nội dung xoay quanh “chế tạo và ứng dụng một số vật liệu trong xử lý môi trường” do ThS Nguyễn Thị Thu Hà và ThS. Hồ Thị Thúy Hằng trình bày. Buổi seminar thực hiện online sử dụng phần mềm Microsoft Teams có sự tham gia của 09/13 thành viên nhóm nghiên cứu mạnh và 07 sinh viên thực tập theo định hướng công nghệ, kỹ thuật môi trường.
Chuyên đề 1: “ Ứng dụng vật liệu đông keo tụ từ tro bay trong xử lý môi trường” do ThS. Nguyễn Thị Thu Hà trình bày nêu rõ đặc điểm nguyên liệu tro bay thu hồi từ hệ thống xử lý bụi thải của nhà máy nhiệt điện, quy trình tổng hợp (biến tính) tro bay thành vật liệu đông keo tụ và kết quả thử nghiệm hiệu quả của vật liệu tạo thành trong xử lý chất rắn lơ lửng trong nước thải. Qua đó, các thảo luận chủ yếu tập trung vào ảnh hưởng của pH đến quá trình chuyển hóa Fe, Al từ trạng thái oxit sang trạng thái ion, đồng thời cũng ảnh hưởng đến hiệu quả đông keo tụ áp dụng trên nước thải thực tiễn. Bên cạnh đó, các thành viên tham gia cũng nhấn mạnh ảnh hưởng của nồng độ chất rắn lơ lửng ban đầu trong nước thải đến hiệu quả đông keo tụ; hiệu quả đông keo tụ của tro bay nhiệt điện không biến tính (mẫu đối chứng).
|
|
Phần trình bày của ThS. Nguyễn Thị Thu Hà |
Chuyên đề 2: “Ứng dụng nano bạc trong kiểm soát môi trường nuôi trồng thủy sản” do ThS. Hồ Thị Thúy Hằng trình bày hiện trạng nuôi thương phẩm cá nheo Mỹ, các vấn đề môi trường trong nuôi đối tượng này, tiềm năng ứng dụng nano bạc trong nuôi trồng thủy sản và một số kết quả ban đầu về thử nghiệm hiệu quả của nano bạc trong phòng và trị bệnh trên cá, ảnh hưởng của sản phẩm đối với nước và các đối tượng nguồn lợi khác. Buổi thảo luận gợi mở rất nhiều các vấn đề liên quan đến bố trí thí nghiệm (phạm vi thí nghiệm, công thức thí nghiệm), tiêu chí đánh giá kết quả (đối tượng thử nghiệm, chỉ số đánh giá) trong từng nội dung cụ thể của nghiên cứu bao gồm điều chế vật liệu nano Ag, đánh giá hiệu quả diệt khuẩn và ảnh hưởng đến môi trường. Trong đó, các thành viên tham gia đều bày tỏ sự ủng hộ với định hướng đề tài nghiên cứu của tác giả cũng như chỉ ra các quan ngại về một số yếu tố ảnh hưởng chưa được xem xét tới làm cơ sở để tác giả mở rộng phạm vi nghiên cứu của mình (ví dụ tồn lưu, tích lũy của nano bạc trong thực phẩm, giới hạn cho phép của thành phần này).
|
|
Phần trình bày của ThS. Hồ Thị Thúy Hằng |
Buổi seminar đã trao đổi các định hướng nghiên cứu gần đây nhất của các tác giả về lĩnh vực chế tạo, đặc điểm sản phẩm, tiềm năng và một số kết quả ban đầu về ứng dụng vật liệu trong xử lý, kiểm soát chất lượng môi trường bao gồm nước thải và nước nuôi trồng thủy sản. Mặc dù không phải là lần đầu tiên các vật liệu này được áp dụng trong xử lý môi trường, nhưng nghiên cứu đưa tới một số hướng tiếp cận mới, và kết quả ứng dụng khác biệt so với các nghiên cứu trước đây về vấn đề này. Thành viên tham dự và người trình bày tập trung trao đổi các lĩnh vực liên quan đến khoảng tin cậy của kết quả, phạm vi áp dụng và các yếu tố ảnh hưởng.
Kết thúc buổi seminar, TS. Trịnh Quang Huy - trưởng nhóm nghiên cứu mạnh Công nghệ kĩ thuật xử lý môi trường cảm ơn sự tham gia của các thành viên nhóm nghiên cứu mạnh và sinh viên. Đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của các buổi thảo luận trong và ngoài nhóm nhằm giới thiệu các định hướng nghiên cứu hiện tại của một số thành viên, mở rộng sự trao đổi với những thành viên khác, gợi mở các hướng nghiên cứu hiện tại và tương lai cho sinh viên ngành Khoa học môi trường, ngành Công nghệ kỹ thuật môi trường và ngành Công nghệ kỹ thuật hóa học, khoa Tài nguyên và Môi trường