Từ ngày 7 đến 9/3/2019 Khoa Môi trường nghiệm thu đề tài Khoa học công nghệ (KHCN) cấp Học viện đây là đợt thứ 2 Theo quyết định số 475/QĐ-HVN ngày 26 tháng 2 năm 2019 của giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

 1. Đề tài “Phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến khả năng chấp nhận các giải pháp canh tác rau theo hướng nông nghiệp bảo tồn (Conservation Agriculture) tại huyện Gia Lâm, HN” – Ms: T2018-04-29 - Chủ nhiệm: ThS. Nguyễn Thị Hương Giang

Để nâng cao tỷ lệ nông hộ áp dụng phương pháp Nông nghiệp bảo tồn, việc đánh giá các quan điểm và nhận thức riêng của hộ và phân tích các nhân tố ảnh hưởng tới việc ra quyết định của họ là hết sức cần thiết.

Nghiên cứu khảo sát 175 hộ sản xuất rau trên địa bàn huyện Gia Lâm đã tìm ra các nhóm nhân tố có khả năng ảnh hưởng đến quyết định của các nông hộ, phần lớn liên quan đến đặc điểm trang trại, đánh giá và trải nghiệm của các nông hộ về các phương thức canh tác mà họ đang áp dụng, giá trị hiệu quả về kinh tế và lao động mà các phương thức canh tác này mang lại và nhất là niềm tin và mức độ sẵn sàng của các nông hộ trong việc thực hiện các biện pháp canh tác. Kết quả của ba mô hình hồi qui cho thấy, các nhân tố này có khả năng giải thích tốt nhất cho việc áp dụng che phủ hữu cơ của nông hộ, khả năng giải thích của mô hình đạt tới 69,9%. Mức độ dự báo chính xác của cả ba mô hình này đều đạt ở mức trên 80%. Tỷ lệ 59% và 66% số hộ được điều tra sẵn sàng áp dụng làm đất tối thiểu và che phủ bằng tàn dư thực vật cho thấy, mô hình hoàn toàn có cơ sở để triển khai mở rộng ở đây.

Nghiệm thu đề tài Khoa học công nghệ (KHCN) mã số : T2018-04-29
Ảnh 1: Hội đồng nghiệm thu  đề tài “Phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến khả năng chấp nhận các giải pháp canh tác rau theo hướng nông nghiệp bảo tồn tại huyện Gia Lâm, Hà Nội” (Ms: T2018-04-29)

2. Tên đề tài: “Đánh giá dòng vật chất nitơ (N) và phốt pho (P) tại trang trại chăn nuôi lợn trên địa bàn huyện Gia Lâm” - T2018-04-37 - Chủ nhiệm đề tài: Đinh Thị Hải Vân

Nghiên cứu đã điều tra thực trạng chăn nuôi tại 23/42 trang trại, định lượng các vật chất đầu vào và đầu ra, dựa vào sự cân bằng vật chất để tính toán lượng N và P thất thoát trong quá trình chăn nuôi tại 03 trang trại chăn nuôi điển hình tại huyện Gia Lâm, Hà Nội.

Nhóm tác giả đã xác định được trong một vòng đời của lợn thịt thì lượng cám tiêu thụ là 272,8 kg/con, lượng nước uống là 545 l/con, lượng phân và lượng nước tiểu thải ra lần lượt là 124,4 kg/con và 246 l/con. Sau khi tính toán dòng vật chất, có được tỷ lệ N thất thoát của lợn thịt là -2,99%, của lợn nái là -14,74 %. Đối với P tỷ lệ thất thoát của lợn thịt là 83,53 % và lợn nái là 84,62 %. Từ các kết quả ban đầu của đề tài này có thể phát triển các hướng nghiên cứu chuyên sâu hơn để tính toán chính xác sự thất thoát N và P ra môi trường nhằm giảm sự thất thoát N và P nhằm tiết kiệm chi phí cho người chăn nuôi cũng như hạn chế ô nhiễm môi trường.

Nghiệm thu đề tài Khoa học công nghệ (KHCN) Mã số: T2018-04-37
Ảnh 2: Nghiệm thu  đề tài đánh giá dòng vật chất nitơ (N) và phốt pho (P) tại trang trại chăn nuôi lợn trên địa bàn huyện Gia Lâm (T2018-04-37)

3. Đề tài “Nghiên cứu ứng dụng chế phẩm vi sinh, than bùn trong xử lý phân gà thành phân hữu cơ” - Ms: T2018-04-33 - Chủ nhiệm đề tài: TS. Đinh Hồng Duyên

Từ 113 chủng nấm và vi khuẩn phân lập được, nhóm nghiên cứu đã tuyển chọn được 1 chủng vi khuẩn Bacillus VK14, 2 chủng nấm men Saccharomyces N2 và N5, là những chủng có hoạt tính enzym ngoại bào mạnh, có thời gian mọc nhanh, khả năng kháng kháng sinh cao, sống được ở mọi điều kiện pH và nhiệt độ khác nhau. Tổ hợp VSV gồm 3 chủng phân lập, tuyển chọn và 2 chủng của bộ môn VSV (BC2, NM2T), không đối kháng nhau. Chế phẩm VSV sau khi sản xuất đạt TCVN 6168:2002. Đề tài đã đề xuất quy trình: Xử lý phân gà nuôi lồng thu gom hàng ngày theo tỷ lệ phân gà 60%, than bùn 37%, bột tăm 3% sẽ giúp rút ngắn thời gian ủ từ 3 tháng xuống còn khoảng 20-30 ngày, đồng thời không còn Coliform và E. coli. Sử dụng trấu hun và than bùn (75%:25%) để thu phân gà khi nuôi gà lồng kết hợp với chế phẩm VSV cũng giúp giảm mùi hôi trong chuồng trại tốt hơn so với chỉ dùng trấu thu phân. Sau 15 ngày ủ đệm lót với chế phẩm của đề tài thì đệm lót đạt độ hoai mục 90% và không còn Coliform và E. coli. Sản phẩm sau ủ theo quy trình đề tài đề xuất đạt tiêu chuẩn của phân bón hữu cơ, tại mục 3, NĐ108/2017-CP về Quản lý phân bón.

Nghiệm thu đề tài Khoa học công nghệ (KHCN) Mã số : T2018-04-33
Ảnh 3: Nghiệm thu  đề tài nghiên cứu ứng dụng chế phẩm vi sinh, than bùn trong xử lý phân gà thành phân hữu cơ (Ms: T2018-04-33)

4. Đề tài “Nghiên cứu xử lý nước thải dệt nhuộm quy mô hộ gia định của làng nghề Vạn Phúc bằng phương pháp Hóa lý” - Ms: T2018-04-31 – Chủ nhiệm đề tài: ThS. Nguyễn Thanh Hải

Mỗi năm sản lượng sản xuất của làng nghề Vạn Phúc đạt 2.5 triệu mét lụa các loại. Trong đó có 1.5 triệu mét phải qua công nghệ tẩy nhuộm. Trung bình 1 mét lụa phải dùng từ 8-10 lít nước và người dân sử dụng thuốc nhuộm có nguồn gốc từ Trung Quốc được bán tràn ngập trên thị trường. Những loại hóa chất hay dùng trong sản xuất bao gồm: xút, javen, CH3COOH, H2S, thuốc nhuộm axit, thuốc nhuộm lưu huỳnh (đá, Na2S)….Nước thải dệt nhuộm tại làng nghề Vạn Phúc có chứa hàm lượng các chất màu, chất lơ lửng cao. Nhóm nghiên cứu đã tiến hành xử lý nước thải dệt nhuộm bằng phương pháp keo tụ  sử dụng PAC kết hợp vỏ trấu hoạt hóa. Nước thải sau xử lý đạt tiêu chuẩn QCVN 13-MT: 2015/BTNMT – Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về nước thải công nghiệp Dệt nhuộm.

Nghiệm thu đề tài Khoa học công nghệ (KHCN) Mã số T2018-04-31
Ảnh 4: Nghiệm thu kết quả nghiên cứu của đề tài xử lý nước thải dệt nhuộm quy mô hộ gia đình (Ms: T2018-04-31)