Trong tháng 2, Hội đồng Khoa Môi Trường đã tiến hành thẩm định 5 đề tài Khoa học công nghệ (KHCN) cấp Học viện năm 2019 theo quyết định số 96/QĐ-HVN ngày 10 tháng 1 năm 2020 của Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Các đề tài chủ yếu tập trung vào các vấn đề liên quan ô nhiễm môi trường, nông nghiệp bền vững, an toàn thực phẩm và vật liệu xử lý môi trường góp phần đưa ra hướng xử lý tổng hợp các vấn đề môi trường tại một số địa phương

1. Tên đề tài: “Nghiên cứu hệ thống quản lý chất thải chăn nuôi hướng tới nông nghiệp không chất thải: trường hợp nghiên cứu tại xã Minh Châu, Ba Vì, Hà Nội” (MS: T2019-04-20) Chủ nhiệm: TS. Võ Hữu Công

Đề tài áp dụng tiếp cận kinh tế tuần hoàn đưa ra các biện pháp đẩy mạnh mối liên  kết giữa các hợp phần trong hệ thống trang trại bao gồm trồng trọt, chăn nuôi và dịch vụ nhằm quay vòng chất thải tạo ra giá trị kinh tế trong khi giảm phát thải và ô nhiễm môi trường. Trên cơ sở kết hợp công cụ kiểm toán chất thải với đánh giá dòng vật chất (STAN), kết quả nghiên cứu cho thấy có trên 61% số hộ gia đình sử dụng phân gia súc trong trồng trọt, 3% số hộ áp dụng nuôi giun, số hộ còn lại áp dụng Biogass. Đối với các hộ thực hiện thu hồi và tái sử dụng chất thải chăn nuôi bò, lượng Nitơ quay vòng trong hệ thống đạt trên 90%, trong khi thu nhập bình quân đạt 30-40 triệu đồng/tháng. Kết quả nghiên cứu này cho thấy nếu bổ sung các hoạt động gia tăng như nuôi giun xử lý ô nhiễm môi trường, ủ phân compost bón cho cây trồng cùng với thu hồi khí sinh học có thể giảm được áp lực môi trường từ hoạt động chăn nuôi cho các hộ gia đình. Mô hình này cần được phát triển và nhân rộng ra các địa phương khác ở phạm vi rộng hơn nhằm phát triển nông nghiệp thân thiện với môi trường.

Hình ảnh 1:  Hội đồng nghiệm thu đề tài TS. Võ Hữu Công

2. Đề tài “Nghiên cứu chế tạo màng chống thấm sinh học từ chitosan và lignin dùng trong bao bì thực phẩm” (Ms: T2019-04-18) Chủ nhiệm: ThS. Nguyễn Ngọc Kiên

Nghiên cứu này đã tiến hành thu hồi lignin từ bã mía bằng phương pháp thủy phân kiềm để tổng hợp ra các loại màng chống thấm sinh học. Kết quả nghiên cứu cho thấy lignin được tách ra từ bã mía sau 2 h phản ứng với tỉ lệ NaOH/bã mía (1/10 w/w) và kết tủa bằng dung dịch axit tại pH = 2. Màng sinh học có khả năng chống thấm nước tốt được tạo thành từ chitosan và lignin theo tỉ lệ (1:1v/v) độ dày màng từ 27,19 – 30,13µm, lực phá vỡ màng 259.000 – 312.000 N/m2. Lignin và chitosan là những phụ phẩm nông nghiệp, khi được tận dụng để tạo màng sinh học vừa cho hiệu quả kinh tế cao, chi phí thấp, phương pháp tổng hợp đơn giản đồng thời giảm thiểu vấn đề ô nhiễm môi trường từ bao bì nilon.

Hình ảnh 2:  Hội đồng nghiệm thu các sản phẩm màng chống thấm sinh học của đề tài

3. Đề tài “Khảo sát hoạt tính chống oxy hóa và ức chế enzym α-glucosidase của quả lêkima (Pouteria lucuma Ruiz and Pav. and Kuntze) ở giai đoạn chín khác nhau” (MS: T2019-04-22) Chủ nhiệm: TS. Đoàn Thị Thúy Ái

Đề tài đã đánh giá hàm lượng phenolic tổng số và hoạt tính kháng oxi hóa, khả năng ức chế enzym a-glucosidase của quả Lêkima ở các giai đoạn khác nhau, góp phần chọn thời điểm thích hợp để sử dụng nâng cao giá trị của quả Lêkima trong các sản phẩm chăm sóc sức khỏe từ thiên nhiên. Kết quả nghiên cứu ở giai đoạn 12-20 tuần của quả Lêkima, giá trị phenolic tổng số thay đổi và đạt cao nhất 10859, 00 ± 0,00 mg GAE /g DW khi quả đạt 16 tuần sau thụ phấn. Ở thời điểm này cao chiết quả cũng thể hiện hoạt tính kháng oxi hóa tốt nhất qua khả năng loại gốc tự do DPPH với giá trị IC50 là 110,5 ± 2,3 µg/ml. Hoạt tính ức chế enzym a- glucosidase hơn cả chất tham khảo Acarbose (là thuốc đang được sử dụng điều trị cho bệnh nhân tiểu đường type 2), trong đó đặc biệt ở giai đoạn 16 tuần (F3), hoạt tính này của cao chiết rất mạnh với giá trị IC50 rất thấp (7,1 ± 0,6 µg/ml). Như vậy quả Lêkima là một nguồn tác nhân từ tự nhiên hứa hẹn cho việc hỗ trợ, điều trị cho bệnh nhân tiểu đường thông qua hoạt tính ức chế enzym a- glucosidase. Việc nghiên cứu tiếp theo trên đối tượng thực vật này với mục đích ứng dụng trong y dược và thực phẩm sẽ góp phần vào định hướng nghiên cứu và phát triển thuốc có nguồn gốc tự nhiên và nâng cao giá trị sử dụng của thực vật Việt Nam.

Hình ảnh 3:  Hội đồng nghiệm thu đề tài của TS. Đoàn Thị Thúy Ái

4. Đề tài “Nghiên cứu xây dựng mô hình xử lý tồn lưu hóa chất trong bao bì thuốc bảo vệ thực vật bằng phương pháp quang fenton” (MS: T2019-04-17)  Chủ nhiệm đề: ThS. Nguyễn Ngọc Tú

Quá trình tách tồn dư BVTV với thành phần chủ yếu là các nhóm thuốc hóa học trừ nấm bệnh, sâu hại và cỏ dại đạt hiệu quả cao hơn với các dung môi NaHCO3, CH3COOH và chất tẩy rửa so với nước sạch. Dung dịch NaHCO3 cho thấy là dung dịch có hiệu quả cao trong quá trình thu hồi tồn dư hóa chất BVTV trong vỏ bao bì khi giá trị hàm lượng chất hữu cơ thể hiện thông qua thông số COD thu được vào khoảng 300 mg/l và tốc độ quá trình thu hồi diễn ra đạt giá trị bão hòa sau 15 phút tiếp xúc. Hiệu quả thu hồi cao ở pH trung tính, chế độ xáo trộn hoàn toàn nhờ bơm tuần hoàn và sục khí đối với hỗn hợp các loại bao bì được thu hồi. Quá trình quang fenton cho thấy có hiệu quả cao khi xử lý hóa chất BVTV. Khi tăng tỷ lệ Fe2+/H2O2 từ 1:5 đến 1:15 hiệu quả xử lý hóa chất bảo vệ thực vật bằng biện pháp quang Fenton tăng lên từ khoảng 64% đến 92%, trong đó hiệu quả kỹ thuật và kinh tế cao nhất ở tỷ lệ 1:10.

.

Hình ảnh 4:  Hội đồng nghiệm thu đề tài ThS. Nguyễn Ngọc Tú

5. Đề tài “Đánh giá hiệu quả chất lượng môi trường và kinh tế sau 10 năm sản xuất nông nghiệp tại Thanh Xuân, Sóc Sơn, Hà Nội” (MS: T2019-04-21) Chủ nhiệm: ThS. Dương Thị Huyền

Kết quả phân tích các mẫu đất tại mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ (NNHC) từ dự án ADDA (Tổ chức phát triển nông nghiệp Châu Á tại Đan Mạch) tài trợ từ 2008 đến 2012 cho người dân tại xã Thanh Xuân, Sóc Sơn, Hà Nội cho thấy hàm lượng các chất dinh dưỡng như NPK dễ tiêu, OM, CEC trao đổi, hàm lượng vi sinh vật đất trong mô hình nông nghiệp hữu cơ đều cao hơn so với mô hình thông thường. Cụ thể, hàm lượng P205 trong mô hình hữu cơ cao gấp 1,5 đến 2,7 lần so với thông thường; hàm lượng OM trong mô hình hữu cơ cũng cao hơn khoảng 1,5 đến 2,2 lần. Tương tự với các chỉ tiêu khác. Về hiệu quả kinh tế, sản xuất NNHC giúp cho người dân xã Thanh Xuân ổn định hơn về thu nhập, giúp đời sống của bà con được cải thiện. Sản lượng từ sản xuất hữu cơ có thể không cao bằng sản xuất nông nghiệp thông thường nhưng bù lại giá thành ổn định và cao hơn giá thông thường.

Hình ảnh 5:  Hội đồng nghiệm thu đề tài ThS. Dương Thị Huyền

Nguyễn Thị Phương Đông

Trợ lý KHCN-HTQT