Trong những năm gần đây, dịch bệnh trên người và động vật đã ảnh hưởng rất lớn đến tốc độ tăng trưởng kinh tế của nhiều quốc gia trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp nói chung, ngành chăn nuôi nói riêng đã có những đóng góp vào việc ổn định và duy trì tăng trưởng kinh tế của cả nước. Chăn nuôi lợn có tốc độ tăng trưởng nhanh, ước tính tổng số lợn của cả nước tính tới tháng 12 năm 2022 tăng khoảng 17% so với cùng thời điểm năm 2019 (Tổng cục thống kê, 2022). Tuy nhiên, theo Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia giai đoạn 2016-2020, lượng chất thải rắn phát sinh từ các hoạt động trên toàn quốc ước tính khoảng 90 triệu tấn/năm, trung bình tăng khoảng 2,5 triệu tấn/năm.

Chất thải chăn nuôi ngoại trừ phân, nước thải, thức ăn thừa, chất độn chuồng, xác vật nuôi chết cũng là nguồn thải đáng kể. Phương án xử lý hiện tại mà người dân thường áp dụng với lợn chết là chôn lấp; xẻ thịt ra bán…  Các phương án này vừa gây ô nhiễm môi trường vừa tạo ra nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh. Do vậy, nhóm nghiên cứu tiến hành nghiên cứu xử lý lợn chết thành dung dịch hữu cơ, vừa góp phần xử lý môi trường vừa tạo ra nguồn chất hữu cơ có giá trị để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp có giá trị kinh tế cao.

leftcenterrightdel
 Ths Nguyễn Văn Thao trình bày nghiên cứu tại seminar
 Ths Nguyễn Văn Thao trình bày nghiên cứu tại seminar

Xác lợn được nghiền nhỏ, phối trộn với dứa, gỉ mật, chế phẩm vi sinh, ngâm ủ trong 3 tháng, định kỳ đảo trộn 1 tuần 1 lần. Sau 3 tháng, nhóm nghiên cứu thu được dung dịch có mầu vàng nâu, mùi như mùi tương, có hàm lượng đạm tổng số : lân hữu hiệu : kali hữu hiệu (Nts : P2O5 hh : K2Ohh) là 8,33% : 1,05% : 0,95%; và không phát hiện vi khuẩn E. Coli, Salmonella trong dung dịch. Sử dụng hệ thống sấy khô ở các nhiệt độ 50 – 60 – 70 – 80 – 90 0C trong thời gian (30 – 60 – 90 – 120 – 150 phút), dung dịch có khả năng tăng tỷ trọng từ 1,05 g/ml lên 1,20g/ml. Tuy nhiên, nhiệt độ sấy càng cao, thời gian sấy càng lâu thì hàm lượng đạm đạm tổng số : lân hữu hiệu : kali hữu hiệu có xu hướng giảm. Mức nhiệt sấy 80 0C trong 90 phút hoặc 90 0C trong 60 phút sẽ giúp dung dịch được cô đặc và ít làm mất đạm - lân - kali. Lọc - Tách Lipid (cơ học - nhiệt độ thấp) là giải pháp hiệu quả để giảm hàm lượng Lipid trong dung dịch sau ủ. Có thể sử dụng KOH (10%) với tỷ lệ 4ml/50ml dịch lọc để hỗ trợ quá trình xử lý Lipid còn lại trong dịch sau tách mà không làm thay đổi mùi của dung dịch.

leftcenterrightdel
Dung dịch sau ủ 3 tháng                                 Dung dịch sau xử lý KOH

 

Theo ý kiến các thành viên tham gia seminar, đây là một nghiên cứu có tiềm năng về cả phương diện xử lý chất thải và thu hồi dinh dưỡng. Trong thời gian tới nhóm sẽ tiến hành nghiên cứu giải pháp thu hồi Lipid sau lọc làm vật liệu sản xuất xà phòng; xử lý cặn sau ủ thành phân hữu cơ dạng rắn; đánh giá thêm tính an toàn của dung dịch thông qua các chỉ tiêu về virus gây bệnh và dư lượng kháng sinh.

                                      Nhóm NCM Quản lý tổng hợp tài nguyên đất, nước và dinh dưỡng cây trồng