Ngày 6/3/2019 khoa Môi Trường đã tiến hành nghiệm thu 2 đề tài Khoa học công nghệ (KHCN) cấp Học viện Theo quyết định số 475/QĐ-HVN ngày 26 tháng 2 năm 2019 của giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam.
1. Đề tài “Đánh giá rủi ro môi trường nước ngầm do N rửa trôi từ hoạt động canh tác nông nghiệp tại huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định”; Mã số T2018-04-30
Chủ nhiệm: ThS. Lý Thị Thu Hà
Huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định có tốc độ phát triển nông nghiệp thâm canh cao, tuy nhiên tình trạng lạm dụng phân đạm đã và đang gây ô nhiễm môi trường phổ biến. ThS. LýThị Thu Hà (BM Công nghệ Môi trường) và nhóm nghiên cứu đã tiến hành khảo sát và xác định những vùng nước ngầm dễ bị tổn thương do tình trạng sử dụng quá mức phân đạm trong canh tác nông nghiệp.
Phương pháp đánh giá được sử dụng theo mô hình DRASTIC dựa trên bảy lớp dữ liệu: Độ sâu mực nước ngầm (D), Lượng tái nạp nước (R), Tầng ngậm nước (A), Loại đất (S), Độ dốc địa hình (T), Ảnh hưởng đới thấm nước (I), Độ dẫn thủy lực (C). Kết quả cho thấy khoảng 66,8% diện tích đất tự nhiên của huyện có nguy cơ rủi ro tổn thương cao và 33,2% diện tích có nguy cơ rủi ro tổn thương thấp. Các khu vực có nguy có rủi ro cao chủ yếu do chiều sâu mực nước ngầm thấp, thuộc nhóm đất thủy văn A và sử dụng quá mức phân đạm trong nông nghiệp.
Kết quả đã giúp các nhà quản lý đưa ra những quy hoạch cấp thiết để bảo vệ nguồn nước ngầm, những khu vực có rủi ro tổn thương cao được ưu tiên trong các nghiên cứu về ô nhiễm.
ThS. Lý Thị Thu Hà trình bày kết quả nghiên cứu đề tài Mã số: T2018-04-30
2. Đề tài “Đánh giá tính dễ bị tổn thương về sinh kế của người Thái và người H’mông do biến đổi khí hậu ở xã Chiềng Đông, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La”; Mã số: T2018-04-36
Chủ nhiệm: TS. NguyễnThị BíchYên
Miền núi phía Bắc Việt Nam được coi là khu vực dễ bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu do nơi đây là nhà của phần lớn các nhóm dân tộc thiểu số với tỷ lệ nghèo đói cao và sống chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp. Nghiên cứu này sử dụng chỉ số dễ bị tổn thương về sinh kế (LVI) để đánh giá tính dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu của dân tộc Thái và H’mong ở xã Chiềng Đông, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La.
Kết quả phân tích cho thấy cộng đồng H’mong dễ bị tổn thương về sinh kế do biến đổi khí hậu hơn so với cộng đồng người Thái ở xã Chiềng Đông (LVI: 0,33 cho Thái và 0,39 cho H’mong; LVI-IPCC: 0,004 cho Thái và 0,021 cho H’mong). Các thành phần đóng góp chủ yếu dẫn đến sự khác biệt này là do cộng đồng người H’mong có khả năng thích ứng (chủ hộ ít tuổi, trình độ học vấn thấp) thấp hơn trong khi đó lại mẫn cảm hơn với biến đổi khí hậu (khoảng cách tới cơ sở y tế xa, tỷ lệ người phụ thuộc cao) hơn so với cộng đồng người Thái.
Đặc điểm về chiến lược sinh kế được tìm thấy là yếu tố dễ bị tổn thương nhất với biến đổi khí hậu ở cả 2 cộng đồng Thái và H’mong. Không có sự khác biệt đáng kể về mức dễ bị tổn thương về sinh kế do biến đổi khí hậu giữa các hộ có chủ hộ là nam và và hộ có chủ hộ là nữ, nhưng nhìn chung đối với hộ có chủ hộ là nữ vẫn cao hơn tính chung cho cả hai dân tộc Thái và H’mong (LVI tổng: 0,35 cho nam và 0,36 cho nữ), hay riêng cho dân tộc Thái (0,33 cho nam và 0,34 cho nữ) và sự khác biệt cao nhất đối với dân tộc H’mong (0,39 so với 0,41).
Một số giải pháp cũng đã được đề xuất trong nghiên cứu này nhằm cung cấp thông tin cho các nhà hoạch định chính sách và chính quyền địa phương trong việc xây dựng biện pháp giảm thiểu tổn thương do biến đổi khí hậu cho các dân tộc thiểu số ở vùng miền núi phía Bắc Việt Nam.
TS. Nguyễn Thị Bích Yên trình bày kết quả nghiên cứu đề tài Mã số: T2018-04-36