KHOA MÔI TRƯỜNG, HỌC VIỆN NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM CHUNG TAY QUẢN LÝ CHẤT THẢI Y TẾ
Cập nhật lúc 20:43, Thứ năm, 03/09/2020 (GMT+7)
Khoa Môi trường, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã chung tay thực hiện đề tài “Điều tra hiện trạng phát sinh tại các cơ sở Y tế trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh và đề xuất các giải pháp quản lý”.
Theo số liệu thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tổng lượng chất thải rắn y tế phát sinh ở nước ta vào khoảng 600 tấn/ngày, trong đó tỷ lệ chất thải nguy hại chiếm từ 20 – 40%. Ngoài ra, các cơ sở y tế còn phát sinh một lượng lớn nước thải ra ngoài môi trường. Tốc độ gia tăng của chất thải Y tế ước tính vào khoảng 7,6%/năm ở nước ta. Do đo, quản lý chất thải y tế hiệu quả là một thách thức lớn đối với xã hội và những người làm công tác môi trường. Trong nỗ lực giải quyết vấn đề này, các cán bộ giảng viên và sinh viên Khoa Môi trường, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã chung tay thực hiện đề tài “Điều tra hiện trạng phát sinh tại các cơ sở Y tế trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh và đề xuất các giải pháp quản lý”. Đề tài hướng tới đánh giá chi tiết thực trạng phát sinh chất thải; chỉ rõ những hạn chế, tồn tại; và đề xuất giải pháp phù hợp nhằm hoàn thiện công tác quản lý chất thải tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh.
|
Một số hình ảnh của cán bộ, sinh viên tham gia thực hiện đề tài |
Trong quá trình triển khai đề tài các kiến thức khoa học, chuyên môn về quản lý chất thải và bảo vệ môi trường được ứng dụng hiệu quả vào tình hình thực tế của địa phương. Mặt khác các kết quả nghiên cứu, đánh giá trên thực tiễn được cập nhật, bổ sung vào nội dung giảng dạy cho sinh viên ngành khoa học môi trường. Nhờ đó, lý thuyết và thực tế luôn được ngắn kết, bổ trợ lẫn nhau trong quá trình giảng dạy, nghiên cứu và giải quyết vấn đề thực tiễn. Với phương châm lấy người học làm trung tâm, học đi đôi với hành, các sinh viên năm thứ 3 và thứ 4 của Khoa được tạo điều kiện tham gia trực tiếp vào thực hiện các nội dung của đề tài như: Điều tra thu thập thông tin; phân loại rác thải và lấy mẫu nước thải. Quá trình này giúp sinh viên thành thạo các kỹ năng chuyên ngành và tự tin ứng dụng kiến thức chuyên môn của mình vào giải quyết các vấn đề thực tiễn.