Hội thảo trực tuyến Webinar "Ảnh hưởng độc sinh thái của vi nhựa đến sinh vật thủy sinh"
Cập nhật lúc 13:42, Thứ ba, 16/11/2021 (GMT+7)
Ngày 11/11/2021, Khoa Tài nguyên và Môi trường, Học viện Nông nghiệp Việt Nam (VNUA) và Khoa Công nghệ Kỹ thuật Dân dụng, Trường Đại học Malaysia Pahang (UMP) phối hợp tổ chức Hội thảo trực tuyến Webinar: Ảnh hưởng độc sinh thái của vi nhựa đến sinh vật thủy sinh
Ngày 11/11/2021, Khoa Tài nguyên và Môi trường, Học viện Nông nghiệp Việt Nam (VNUA) và Khoa Công nghệ Kỹ thuật Dân dụng, Trường Đại học Malaysia Pahang (UMP) phối hợp tổ chức Hội thảo trực tuyến Webinar: Ảnh hưởng độc sinh thái của vi nhựa đến sinh vật thủy sinh. Hội thảo trực tuyến thuộc chương trình Lớp học Toàn cầu: An toàn & Quản lý rủi ro. Thành phần tham dự hội thảo gồm giảng viên, cán bộ và sinh viên trường Đại học Malaysia Pahang, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Nhà khoa học thuộc Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ (US EPA). TS. Võ Hữu Công thay mặt nhóm nghiên cứu trình bày kết quả nghiên cứu về cơ sở khoa học, tổng luận về các nghiên cứu về độc sinh thái của vi nhựa, và một số kết quả nghiên cứu về phát hiện vi nhựa trong môi trường từ các cơ sở tái chế nhựa và khảo sát ảnh hưởng của vi nhựa đến sinh vật thủy sinh.
Số liệu sản xuất nhựa thế giới vào năm 2018 ước tính khoảng 348 triệu tấn, trong đó 34,8 triệu tấn chất thải được tạo ra. Với tỷ lệ phát sinh 3%/năm, dự báo khoảng 67,8 triệu tấn chất thải nhựa vào năm 2050. Vi nhựa là một dạng chất thải nhựa có kích thước <5mm. Trong môi trường, vi nhựa có nguồn gốc sơ cấp như các hạt trong các sản phẩm chăm sóc cá nhân, mỹ phẩm... hoặc được tạo ra từ sự phân hủy tự nhiên của các loại nhựa. Theo kết quả nghiên cứu của nhóm tác giả Võ Hữu Công và cs (2021), vi nhựa có khả năng hấp phụ cao kim loại nặng và chất độc hữu cơ do tính chất phân cực và kỵ nước của chúng. Trong các thủy vực tiếp nhận, vi nhựa lan truyền trong nước ở dạng trôi nổi, lơ lửng hoặc lắng xuống trầm tích. Các sinh vật sống dưới có thể ăn các vi nhựa nhiễm độc dẫn đến sự thay đổi trong phản ứng miễn dịch, thay đổi về biểu hiện gen, ảnh hưởng sinh lý, hoặc rối loạn dẫn đến tử vong,... Tại hội thảo, các đại biểu từ Cơ quan bảo vệ môi trường Hoa Kỳ và sinh viên từ ĐH Malaysia Pahang quan tâm đến kết quả nghiên cứu do các sinh viên của khoa Tài nguyên và Môi trường thực hiện và đặt ra nhiều câu hỏi về phương pháp thu thập mẫu vi nhựa, cách thức phân tách và định lượng cũng như phân tích đặc trưng của vi nhựa.
Trong bối cảnh COVID-19, việc tham gia các hội thảo quốc tế gặp nhiều khó khăn do giãn cách xã hội. Giảng viên và sinh viên trong khoa đã có nhiều tiếp cận nhằm tăng cường trao đổi hoạt động khoa học với các trường Đại học và cơ quan nghiên cứu quốc tế đang hoạt động trong lĩnh vực môi trường, qua đó, giúp giảng viên và sinh viên chia sẻ và nắm bắt được những xu hướng mới phục vụ công tác dạy và học tại khoa. Dưới đây là một số hình ảnh của nhóm tham gia hội thảo.