Với mục đích trao đổi kết quả, nghiên cứu và thảo luận trong vấn đề nông nghiệp đô thị và tầm quan trọng Nông nghiệp đô thị trong phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô Hà Nội. Sáng ngày 07/10/2020. Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam tổ chức Hội thảo “Phát triển nông nghiệp đô thị tại Hà Nội theo hướng phát triển bền vững”, đây là chuỗi dự án nghiên cứu về phát triển nông nghiệp đô thị do Quỹ Châu Á (The Asia Foundation) tài trợ. Hội thảo đã thu hút hơn 70 chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực quy hoạch đô thị, nông thôn; quản lý đất đai, xã hội học; kinh tế tham gia.

Hội thảo có KTS. Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam; TS. Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Hà Nội; GS.TS. Đỗ Hậu, Viện trưởng Viện nghiên cứu quy hoạch và Phát triển đô thị; TS. Michael DiGregorio-Trưởng Đại diện Quỹ Châu Á tại Việt Nam cùng các đại diện lãnh đạo UBND, các Viện nghiên cứu: Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế xã hội Hà Nội; Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội; Quận Long Biên, huyện Đan Phượng. Về phía Khoa Quản lý Đất đai, Học viện Nông nghiệp Việt Nam có PGS.TS. Trần Trọng Phương; TS. Nguyễn Thu Hà tham dự Hội thảo.

Tại Hội thảo này, PGS.TS. Trần Trọng Phương trình bày tham luận quan trọng “Thực trạng và đề xuất chính sách phát triển nông nghiệp đô thị thành phố Hà Nội”.

leftcenterrightdel
 PGS.TS. Trần Trọng Phương  trình bày tham luận tại hội thảo

Tác giả đã trình bày phát triển nông nghiệp đô thị (NNĐT) là xu hướng phát triển tất yếu của quá trình phát triển nông nghiệp trong tương lai, đặc biệt với Thủ đô Hà Nội. Nông nghiệp đô thị của Thủ đô cần được hỗ trợ và phát triển - Đó cũng là điều kiện cần và đủ cho phép chúng ta thiết lập được mối quan hệ với thiên nhiên, góp phần giảm các thiên tai về môi trường, vừa bảo vệ năng lượng và nguồn nước, giúp môi trường đô thị bền vững. Qua nghiên cứu, tác giả cũng đánh giá các nhân tố chính để phát triển nông nghiệp đô thị cũng như đánh giá được nét cơ bản của Nông nghiệp đô thị Thủ đô Hà Nội trong giai đoạn vừa qua. Đã có những mô hình phát triển theo hướng NNĐT rõ nét như: (i) Mô hình hoa cây cảnh (hiện nay có 50 vùng sản xuất hoa cây cảnh, trên 5.300 ha, tập trung ở một số quận, huyện như: Bắc Từ Liêm, Mê Linh, Tây Hồ, Đan Phượng... Số vùng hoa, cây cảnh sản xuất tập trung tăng, hiệu quả kinh tế từ sản xuất hoa, cây cao hơn 30% so với trước đây); (ii) Mô hình trang trại gắn với sinh thái từng vùng (có trên 178 trang trại được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; quy mô diện tích đất của các trang trại trung bình là 1,5ha); (iii) Mô hình NNĐT gắn với du lịch (8 trang trại, hợp tác xã phát triển nông nghiệp sinh thái gắn với du lịch có quy mô lớn như Hợp tác xã Hoa, cây cảnh dịch vụ Hồng Vân, huyện Thường Tín); (iv) Mô hình nông nghiệp CNC (Thành phố Hà Nội đã xây dựng được 164 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao).

 Tác giả cũng đánh giá những thuận lợi để phát triển NNĐT cho Thủ đô Hà Nội (Có vị trí địa lý thuận lợi trong việc tiếp nhận những tác động tích cực về KHCN; Địa hình đa dạng: vùng đồi gò; vùng núi; vùng đồng bằng; có đê sông/bãi bồi thuận lợi cho đa dạng hoá cây trồng và phát triển nông nghiệp đô thị, sinh thái; Đất đai và sự đa dạng hoá cây trồng; Có hệ thống nền tảng quy hoạch phong phú đa dạng…).

Tuy nhiên NNĐT của Hà Nội cũng còn tồn tại những khó khăn như (Bthu hẹp diện tích đất nông nghiệp/ việc thực hiện thu hồi đất với QH chưa thống nhất; Có nhiều QH nhưng việc tích hợp QH gắn với SXNN theo vùng/ sinh thái chưa rõ ràng, cụ thể; nguồn lực đầu tư khoa học - công nghệ cho NNĐT còn hạn chế; Liên kết sản xuất giữa nông dân/HTX/ doanh nghiệp trên địa bàn thành phố chưa kết nối chặt chẽ; Cơ cấu kinh tế nông nghiệp của Hà Nội chuyển dịch còn chậm, chưa đồng đều; Nguồn nhân lực để tập trung cho phát triển NNĐT còn hạn chế).

Hiện nay Hà Nội đang tiếp tục triển khai Chương trình 02-Ctr-TU về Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới Hà Nội theo hướng xanh, an toàn và bền vững giai đoạn 2021-2025, định hướng 2026-2030, tầm nhìn 2050. Qua nghiên cứu, tác giả cũng đã đề xuất định hướng, khuyến nghị chính sách và giải pháp để phát triển nông nghiệp đô thị cho Thủ đô Hà Nội thời gian tới. Hà Nội cần quy hoạch và xây dựng và phát triển vành đai xanh, vành đai lương thực thực phẩm trên cơ sở các vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh quy mô lớn, gắn với lợi thế của từng huyện ven đô, từng vùng; nhằm đáp ứng nhu cầu thực phẩm tươi sống, tạo không gian xanh và địa điểm vui chơi cho người dân Thủ đô. Phát triển 3 vành đai nông nghiệp xác định theo khoảng cách (nội đô-ven đô-xa đô thị)

Các giải pháp tác giả nhấn mạnh đó là giải pháp quy hoạch; giải pháp về đất đai; Giải pháp về ứng dụng khoa học công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp; Giải pháp về vốn đầu tư, tín dụng, nguồn nhân lực; Giải pháp về phát triển thị trường (trong đó bài toán quan trọng là làm rõ được giải pháp quy hoạch sử dụng đất phải luôn là trung tâm của mọi quy hoạch). Nông nghiệp đô thị Hà Nội không những có vai trò vị trí quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô mà nó còn là hình mẫu cho phát triển nông nghiệp đô thị trong cả nước. Vì vậy phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị bền vững trong giai đoạn tới là một trong những trọng tâm, chiến lược phát triển nông nghiệp của thành phố Hà Nội.

MỘT SỐ HÌNH ẢNH BUỔI HỘI THẢO

leftcenterrightdel
 KTS. Trần Ngọc Chính-Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam khai mạc Hội thảo.
leftcenterrightdel
TS. Đào Ngọc Nghiêm, PCT Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội phát biểu tham luận 
leftcenterrightdel
Đại diện Quỹ Châu Á và các chuyên gia trình bày tham luận tại Hội thảo