Tại hội thảo “Tham vấn chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn” do Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức ngày 22.2, nhiều ý kiến cho rằng bối cảnh mới đòi hỏi phải có sự điều chỉnh chiến lược để “tam nông” phát triển bền vững. Khi xây dựng chính sách, cần đặt quyền lợi của nông dân ở trung tâm, như vậy chính sách sẽ đi vào cuộc sống.
 

Sản xuất nông nghiệp theo tư duy công nghiệp

Theo GS.TS. Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết 26 - NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã tạo diện mạo mới cho khu vực nông thôn, cả về chất và lượng. Tuy nhiên, hiện có nhiều vấn đề đặt ra như bối cảnh hội nhập toàn cầu, những biến động của kinh tế - chính trị trên thế giới, Cách mạng Công nghiệp 4.0, biến đổi khí hậu... đòi hỏi phải có chủ trương, chính sách, giải pháp mạnh mẽ mới thúc đẩy sự phát triển của nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Cùng quan điểm, GS.TS. Trần Đức Viên, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, khi xây dựng Nghị quyết mới của Trung ương về nông nghiệp, nông dân, nông thôn cần định hướng phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa ngay trong nông nghiệp; sản xuất nông nghiệp theo tư duy công nghiệp. Người nông dân phải được thực sự coi trọng và được đào tạo để thành tầng lớp nông dân mới. Đồng thời, cần cơ cấu lại đầu tư công cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân cho tương xứng với vị trí. Chính sách cho “tam nông” cần thiết kế theo hướng quyền lợi người nông dân là trung tâm, như vậy chính sách sẽ đi vào cuộc sống.

Các tham luận tại hội thảo cũng nhấn mạnh, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu để hiện đại hóa ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, ở khu vực nông nghiệp gắn liền với nông thôn, cơ sở hạ tầng và nguồn lực liên quan đến số hóa (internet, công nghệ thông tin, máy tính) còn rất thiếu và yếu. Do đó, TS. Nguyễn Hữu Nhuần, Phó trưởng Khoa Kinh tế và phát triển nông thôn, đề xuất cần có chương trình/dự án cấp quốc gia để hỗ trợ thúc đẩy chuyển đổi số nhất là về cơ sở hạ tầng phục vụ chuyển đổi số đồng bộ; có chính sách thu hút các nhà đầu tư ứng dụng công nghệ số để liên kết chuỗi, bảo đảm truy nguyên nguồn gốc xuất xứ, chất lượng và an toàn thực phẩm; nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho nông dân, đặc biệt các kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin...

                                                                                     Nguồn: ITN

Phải đổi mới chính sách đất đai

Để thực hiện thắng lợi chương trình tam nông giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn 2045, PGS.TS. Trần Trọng Phương, Trưởng Khoa Tài nguyên và Môi trường, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, cần phải đổi mới chính sách đất đai.

Theo ông, các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng theo Điều 62 Luật Đất đai năm 2013 quá rộng và chưa phân biệt rõ thu hồi đất cho mục đích xã hội chung với các dự án thương mại. Do vậy, đất nông nghiệp có thể bị thu hồi theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hay sau khi điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất gây ảnh hưởng đến đầu tư sản xuất. Ngoài ra, kỳ quy hoạch sử dụng đất 10 năm trong khi thời hạn sử dụng đất nông nghiệp đến 50 năm, nên có thể xảy ra tình trạng đất nông nghiệp sẽ bị thu hồi để chuyển thành mục đích sử dụng khác khi hết kỳ quy hoạch. Bên cạnh đó, giá bồi thường thấp hơn giá đất thị trường khiến người bị thu hồi đất cảm thấy thiệt thòi. Chính sách hỗ trợ, tái định cư chưa bảo đảm ổn định đời sống, việc làm của người bị thu hồi đất tại nhiều dự án.

Theo quy định hiện hành, hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp được giao đất nông nghiệp với thời hạn 50 năm và được thuê đất thuộc quỹ đất công ích do UBND cấp xã quản lý với thời hạn tối đa 5 năm. PGS.TS. Trần Trọng Phương cho biết quy định này khiến nhiều hộ gia đình, cá nhân không yên tâm đầu tư, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Chính sách giao đất nông nhiệp cũng còn hạn chế ở chỗ trong quá trình sử dụng đất, hộ gia đình có thành viên chết hoặc chuyển đổi nghề nghiệp từ sản xuất nông nghiệp sang lĩnh vực phi nông nghiệp không bị rút bớt diện tích đất nông nghiệp. Nhiều hộ gia đình sử dụng đất nông nghiệp không hết nên cho mượn, cho thuê lại trong khi một số hộ gia đình tăng thêm nhân khẩu lại thiếu đất sản xuất vì địa phương không còn đất nông nghiệp để giao tiếp.

Đề cập tình trạng đất nông nghiệp tại nhiều địa phương bị bỏ hoang gây lãng phí tiềm năng đất đai, PGS.TS. Trần Trọng Phương cho rằng “giao đất nông nghiệp không thu tiền sử dụng đất và được miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp cũng là nguyên nhân vì người sử dụng đất cứ để đất hoang mà không mất gì”. Điều này dẫn đến tình trạng thiếu nguồn cung đất nông nghiệp để thực hiện các giao dịch đất nông nghiệp, giảm hiệu quả sử dụng đất.

Để "tam nông" phát triển nhanh hơn, mạnh hơn nữa, Trưởng Khoa Tài nguyên và Môi trường, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho rằng cần đổi mới chính sách đất đai theo hướng bỏ hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp; áp dụng thời hạn sử dụng đất nông nghiệp ổn định lâu dài; áp dụng thuế suất lũy tiến đối với đất nông nghiệp và đặc biệt là đất bỏ hoang, sử dụng không hiệu quả. Cùng với đó, hoàn thiện quy định về quy hoạch sử dụng đất, thu hồi đất và bồi thường; tập trung đất nông nghiệp...

                                                                                                          Vũ Quang - Báo điện tử Đại biểu nhân dân