Bước đầu xác định tỷ lệ N:P:K và lượng phân bón thích hợp cho cam sành Hàm Yên tỉnh Tuyên Quang
Cập nhật lúc 16:35, Thứ tư, 29/09/2021 (GMT+7)
Cây cam sành đã và đang trở thành cây ăn quả hàng hóa của tỉnh Tuyên Quang. Cam Hàm Yên đã được đăng ký chỉ giới địa lý với vùng trồng hơn 8.000 ha, trong đó hơn 90% diện tích nằm trong địa giới hành chính của huyện Hàm Yên. Thống kê tới tháng 12 năm 2020 diện tích cam của Hàm Yên là 7.296,1 ha với sản lượng 77.639,20 tấn
Cây cam sành đã và đang trở thành cây ăn quả hàng hóa của tỉnh Tuyên Quang. Cam Hàm Yên đã được đăng ký chỉ giới địa lý với vùng trồng hơn 8.000 ha, trong đó hơn 90% diện tích nằm trong địa giới hành chính của huyện Hàm Yên. Thống kê tới tháng 12 năm 2020 diện tích cam của Hàm Yên là 7.296,1 ha với sản lượng 77.639,20 tấn. Cây cam đưa lại nguồn thu không nhỏ cho người dân địa phương. Tuy nhiên trong thực tế sản xuất hiện nay ở Hàm Yên cho thấy, việc lạm dụng phân bón hóa học, thiếu hụt phân hữu cơ đã khiến chi phí sản xuất tăng, gia tăng nguy cơ sâu bệnh, không đáp ứng được yêu cầu về chất lượng sản phẩm.
Trong 10 năm gần đây sự phát triển quá nóng của cây cam đã làm nảy sinh nhiều bất cập, ảnh hưởng đến tính bền vững của sản xuất: Quy trình canh tác chưa khoa học, nông dân chưa tuân thủ các khuyến cáo của khuyến nông, lạm dụng phân bón hóa học, canh tác thiếu bền vững... Để duy trì và nâng cao hiệu quả kinh tế của cây cam trên vùng đất dốc, ngăn chặn sự thoái hoá đất và hướng tới một nền sản xuất nông nghiệp bền vững cho địa phương nhóm nghiên cứu thuộc khoa TN&MT học viện nông nghiệp Việt nam tiến hành nghiên cứu tỷ lệ N:P:K và lượng phân bón thích hợp cho cam sành của huyện Hàm Yên. Kết quả thu được là tiền đề để phát triển sản xuất phân bón vô cơ chuyên dung cho cam sành miền bắc.
Nghiên cứu được tiến hành với cây cam sành 8 tuôi trên đất đỏ vàng phát triển trên đá sét ở xã Phù lưu, huyện Hàm Yên tỉnh Tuyên Quang.
Thí nghiệm được tiến hành với 4 tỷ lệ N :P :K khác nhau và 10 công thức bón phân. Thí nghiệm được theo dõi 2 năm 2020-2021.
|
|
Thí nghiệm bón phân trên cây cam sành tại xã Phù lưu, huyện Hàm Yên tỉnh Tuyên Quang. |
Kết quả thu được năm 2020 cho thấy năng suất cam cao nhất đạt ở công thức với tỷ lệ N :P :K tương ứng là 1 :0.35 :0.6 và 1 :0.5 :0.75 và lượng N tương ứng dao động trong khoảng 0.4-0.6kg/gốc. Năng suất cam thành phẩm ở các công thức phân bón này năm 2020 dao động trong khoảng 127-129 kg /gốc (tương đương 48-49 tấn cam thương phẩm/ha). Đây là năng suất rất cao so với năng suất đại trà (15,7 tấn/ha)
Với năng suất này, dù năm 2020 giá cam xuống thấp kỷ lục do không xuất khẩu được thì người trồng cam vẫn có lãi từ 176-180 triệu đồng/ha.
PGS.TS. Cao Việt Hà- nhóm NCM Quản lý tổng hợp tài nguyên đất, nước và dinh dưỡng cây trồng