Ngày 08/6/2018 tại khoa Quản lý đất đai, Bộ môn quản lý đất đai tổ chức buổi seminar khoa hoc với các chuyên đề: Nghiên cứu sự hài lòng của khách hàng về dịch vụ đấu giá quyền sử dụng đất huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội; Đánh giá công tác giảu quyết khiếu nại, khiếu kiện về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại huyện Yên Định tỉnh Thanh Hóa; Nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ định giá đất; Đánh giá tác động của mô hình trồng xen, cây họ đậu trên đất dốc trong việc cải tạo độ phì đất, nâng cao năng suất cây trồng và giảm thải tác động của sâu bệnh đến cây trồng ở vùng núi phía bắc Việt Nam Đến tham dự buổi seminar có Đại diện Ban chủ nhiệm khoa Quản lý đất đai, thành viên của bộ môn Quản lý đất đai và các giảng viên trong Khoa Quản lý đất đai.

Chuyên đề 1 Nghiên cứu sự hài lòng của khách hàng về dịch vụ đấu giá quyền sử dụng đất huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội do PGS.TS. Phan Thị Thanh Huyền trình bày Mục đích của nghiên cứu này là đánh giá sự hài lòng của khách hàng về dịch vụ đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội. Nghiên cứu được thực hiện tại 3 khu đất đấu giá trong giai đoạn 2012 - 2016 gồm: khu Dộc Bầu, thị Trấn Sóc Sơn; khu Chéo Cầu Nam, xã Thanh Xuân; khu Thanh Luông, xã Bắc Phú. Kết quả phân tích độ tin cậy của thang đo, phân tích nhân tố khám phá cho thấy phần lớn các biến quan sát phù hợp, chỉ có biến “Lệ phí hồ sơ và phí đấu giá” không phù hợp do có hệ số tương quan biến tổng nhỏ hơn 0,3. Kết quả phân tích hồi quy cho thấy 6 nhóm yếu tố đều có mối quan hệ tuyến tính cùng chiều với mức độ hài lòng của khách hàng về dịch vụ đấu giá QSDĐ tại huyện Sóc Sơn. Trong đó, nhóm yếu tố ”Thái độ phục vụ” có ý nghĩa quan trọng nhất tức đạt được sự hài lòng lớn nhất với hệ số β = 0,381, tiếp đến là các nhóm yếu tố “sự tin cậy”, “năng lực phục vụ”, “sự đồng cảm” và “cơ sở vật chất” với hệ số β có giá trị lần lượt là 0,342, 0,325, 0,312 và 0,258. Nhóm yếu tố về giá và tài chính có hệ số mức độ hài lòng thấp nhất với β = 0,258.

Chuyên đề 2 Đánh giá công tác giảu quyết khiếu nại, khiếu kiện về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại huyện Yên Định tỉnh Thanh Hóa do TS. Phạm Phương Nam trình bày Nghiên cứu nhằm đánh giá thực trạng khiếu nại, khiếu kiện (KNKK), giải quyết KNKK về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) để từ đó đề xuất một số giải pháp hoàn thiện công tác giải quyết KNKK về cấp GCNQSDĐ tại huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa. Số liệu thứ cấp liên quan đến giải quyết KNKK về cấp GCNQSDĐ tại huyện Yên Định trong giai đoạn 2012-2016 được thu thập tại các cơ quan đơn vị trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa;số liệu sơ cấp được thu thập từ 76 hộ gia đình, cá nhân có khiếu nại về cấp GCNQSDĐ và 35 người liên quan đến giải quyết theo thẩm quyền các khiếu nại về cấp GCNQSDĐ. Kết quả nghiên cứu cho thấy, đơn thư về cấp GCNQSDĐ đã giải quyết xong 49/76, số vụ việc còn lại chủ yếu đang trong thời hạn giải quyết và thụ lý của tòa án; trình độ, chuyên môn của một bộ phận cán bộ, công chức tham gia giải quyết KNKK về cấp GCNQSDĐ chưa đáp ứng yêu cầu; sự phối hợp của các cơ quan, đơn vị trong giải quyết KNKK về cấp GCNQSDĐ chưa cao; hồ sơ địa chính còn sai sót,... Một số giải pháp được đề xuất gồm: nâng cao chất lượng CBCC; tăng cường sự phối hợp của các cơ quan, đơn vị trong giải quyết KNKK về cấp GCNQSDĐ; hoàn thiện lập và quản lý hồ sơ địa chính,...

Chuyên đề 3 Nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ định giá đất do TS. Nguyễn Văn Quân trình bày Nghiên cứu này nhằm nghiên cứu về việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai trong đó có cơ sở dữ liệu giá đất, tuy nhiên bản thân cơ sở dữ liệu giá đất hiện tại chưa đáp ứng được cho công tác định giá đất, việc xây dựng cơ sở dữ liệu giá đất ở địa phương mới chỉ phục vụ mục đích tra cứu giá đất, tuy nhiên thông tin về giá đất mới chỉ là giá quy định, giá thị trường rất ít và không đảm bảo độ tin cậy. Chính vì vậy cần bổ sung các thông tin cho cơ sở dữ liệu giá đất bao gồm cả dữ liệu không gian và dữ liệu thuộc tính để thông qua đó có thể xây dựng hệ thống thông tin hỗ trợ định giá đất. Xây dựng cơ sở dữ liệu định giá đất cần phải xem xét đến các yếu tố ảnh hưởng đến giá đất, xác định hệ số các yếu tố ảnh hưởng, cập nhật vào cơ sở dữ liệu thuộc tính và không gian, sau đó sử dụng các chức năng của hệ thống WEBGIS để tính toán xác định được giá đất cụ thể trên thị trường cũng như giá đất quy định của nhà nước, xây dựng bản đồ giá đất làm cơ sở để tính toán các nghĩa vụ tài chính về đất đai.

Chuyên đề 4: Đánh giá tác động của mô hình trồng xen, cây họ đậu trên đất dốc trong việc cải tạo độ phì đất, nâng cao năng suất cây trồng và giảm thải tác động của sâu bệnh đến cây trồng ở vùng núi phía bắc Việt Nam. Mục tiêu của nghiên cứu nhằm đánh giá đa tác dụng của việc trồng xen cây họ đậu đến hệ thống canh tác sắn sử dụng công cụ hỗ trợ thống kê và GIS giai đoạn 2018-2020. Với các mục tiêu cụ thể: Đánh giá độ phì đất, năng suất cây sắn và mức độ phát triển của nhện đỏ tại nương trồng thuần và nương trồng xen; Sử dụng GIS để xây dựng các bản đồ độ phì đất, năng suất cây sắn và diễn biến của sâu hại cho 2 hệ thống trồng xen và trồng thuần; Tổng hợp kết quả nghiên cứu để xây dựng các tài liệu phục vụ công tác khuyến nông và hoạch định chính sách cho khuyến nông và cấp ra quyết định ở địa phương. Các chuyên đề sau khi được báo cáo đã được trao đổi và thảo luận sôi nổi, tác giả đã thu nhận những đóng góp và đề xuất từ các thành viên trong bộ môn và các giảng viên trong Khoa. Đây là kết quả nghiên cứu cụ thể, kết thúc buổi seminar các tác giả tiếp tục nghiên cứu phát triển đề tài ngày một hoàn thiện hơn hướng nghiên cứu.

MỘT SỐ HÌNH ẢNH CỦA BUỔI SEMINAR