Ngày 26 tháng 12 năm 2023, tại khoa Tài Nguyên và Môi trường, nhóm Nghiên cứu mạnh “Quản lý tổng hợp tài nguyên đất, nước, dinh dưỡng cây trồng” tổ chức seminar nhằm tổng hợp các kết quả nghiên cứu của một số thành viên trong nhóm và đề xuất hướng nghiên cứu tiếp theo trong năm 2024.

leftcenterrightdel
 Toàn cảnh seminar
 Toàn cảnh seminar

TS. Nguyễn Thu Hà trình bày seminar tổng quan “Các nguồn gây mùi và các giải pháp giảm thiểu mùi tại cơ sở chăn nuôi”. Nguồn gây ô nhiễm môi trường chủ yếu ở các cơ sở chăn nuôi là từ chất thải rắn (hữu cơ) và chất thải lỏng. Các chất khí gây mùi sinh ra từ các nguồn này phần lớn là NH3 và H2S, bên cạnh đó còn có các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi cũng có khả năng gây mùi như Mercaptan, Sulfit hữu cơ…với đặc điểm về nguồn thải và các chất gây mùi như trên, các giải pháp giảm thiểu mùi từ chăn nuôi được phân thành các nhóm: Điều chỉnh khẩu phần ăn, Quản lý khu vực chuồng nuôi hợp lý, Quản lý phân thải hợp lý và Xử lý không khí cuối nguồn. Tại Việt Nam, các biện pháp đang được áp dụng phổ biến gồm sử dụng chế phẩm sinh học xử lý chất thải và khử mùi, phối trộn điều chỉnh khẩu phần ăn của vật nuôi, thu gom xử lý chất thải, sử dụng quạt hút và thông gió khuếch tán mùi tại chuồng nuôi… Tuy nhiên  nhưng việc xử lý chất thải và mùi vẫn còn nhiều tồn tại gây ra ảnh hưởng lớn đến vật nuôi, người chăn nuôi và môi trường xung quanh. Tại Thái Bình, chỉ có 25 - 32% cơ sở chăn nuôi tỏ ra sẵn sàng đón nhận các giải pháp kỹ thuật mới để xử lý chất thải và giảm mùi. Phần lớn người chăn nuôi chưa sẵn sàng hoặc chưa đủ thông tin để quyết định việc áp dụng công nghệ mới. Điều này cho thấy cần có sự phối hợp của các nhà khoa học với các nhà quản lý và người chăn nuôi một cách chặt chẽ để việc áp dụng các công nghệ xử lý chất thải và mùi từ các cơ sở chăn nuôi được hiệu quả hơn.

leftcenterrightdel
Kênh mương bị ô nhiễm do nhận nước thải chăn nuôi lợn sau xử lý biogas  và Sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi gia cầm

Tiếp theo đó, TS. Nguyễn Thành Trung trình bày nghiên cứu “Công nghệ và đổi mới trong sản xuất nông nghiệp thông minh với khí hậu tại các nước hạ lưu sông Mê Kông”.  Nhiệt độ trung bình năm ở các nước hạ lưu sông Mê Kông được dự báo tăng 0,7oC vào năm 2050 so với hiện nay, cùng với thay đổi khó lường trước về lượng/cường độ mưa, hiện tượng lũ lụt và xâm nhập mặn ngày càng tăng, đang gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng cả trực tiếp và gián tiếp tới nền sản xuất nông nghiệp. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu (BĐKH) với các hiện tượng thời tiết cực đoan đang ngày càng trở nên phổ biến và rõ nét trên thế giới nói chung, cũng như lưu vực sông Mê Kông nói riêng, việc thực hiện sản xuất nông nghiệp thông minh với khí hậu (Climate-smart agriculture – CSA) tại khu vực này là hết sức cần thiết và quan trọng.

leftcenterrightdel

Hệ thống tưới nhỏ giọt sử dụng năng lượng mặt trời                  Sử dụng dữ liệu lớn và hình ảnh vệ tinh để dự báo

                                                                                                                       tình hình dinh dưỡng trong đất

Về cây trồng, CSA chú trọng tới chọn tạo các loại cây/giống cây trồng thích ứng thông minh với BĐKH như có khả năng thích ứng rộng với các điều kiện khí hậu khác nhau, thời gian sinh trưởng ngắn, đem lại năng suất ổn định, tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên…như các cây bộ đậu, cây gai dầu, mè, thanh long… Về quản lý tài nguyên nước, các công nghệ như hệ thống bơm/tưới sử dụng năng lượng mặt trời, thiết kế keyline quản lý dòng chảy, hay sử dụng dữ liệu lớn để dự báo thời tiết và cảnh báo sớm các hiện tượng thời tiết cực đoan được tích hợp trên app điện thoại di động cũng hết sức có ý nghĩa thực tế. Đối với việc quản lý độ phì nhiêu đất, sản xuất và sử dụng biochar được cho là đem lại rất nhiều hiệu quả trong việc giảm nhẹ tác động của phát thải khí nhà kính và nâng cao độ phì nhiêu đất về nhiều mặt (lý, hoá, sinh…). Việc quản lý đất tổng hợp cũng đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc đảm bảo độ phì nhiêu đất, năng suất cây trồng bền vững. Xu hướng Nông nghiệp tái sinh cũng rất được quan tâm, được coi là biện pháp quản lý đất nhằm khép kín chu trình carbon, tạo sức khoẻ đất, sự thích ứng mềm dẻo của cây trồng và mật độ dinh dưỡng, đặc biệt là hàm lượng chất hữu cơ. Bên cạnh đó, còn có các công nghệ hiện đại như sử dụng dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo để theo dõi tình trạng dinh dưỡng trong đất, cây trồng, cảnh báo sớm về tình hình sâu bệnh hại, nhu cầu nước và dinh dưỡng, dự báo năng suất… Mặc dù vậy, để các công nghệ mới thực sự hiệu quả và áp dụng được rộng rãi cho nông dân cần có sự đồng lòng, chia sẻ dữ liệu và phối hợp nghiên cứu, tạo thuận lợi về chính sách ở tất cả các nước trong khu vực.

Cuối cùng, TS. Ngô Thanh Sơn trình bày nghiên cứu “Tác động của đê và hệ thống đa kênh đến động lực dòng chảy dưới tác động của kịch bản nước biển dâng tại Đồng Bằng Sông Cửu Long ở Việt Nam”.  Trong nghiên cứu này, mô hình thủy động 2D, TELEMAC-2D được sử dụng để xem xét tác động của mạng lưới sông và đa kênh dẫn đối với phân phối không gian và thời gian của dòng chảy trên 40.000 km2 của đồng bằng sông Mekong ở Việt Nam theo hai kịch bản về mực nước biển tương đối vào năm 2050 và 2100. Kết quả cho thấy đập và mạng lưới đa kênh sẽ làm giảm diện tích ngập lụt đi 36% và giảm mức nước lên cao nhất 15% cùng lượng nước trên đồng bằng ngập úng là 24%. Tuy có sự bảo vệ này, dưới tác động của kịch bản mực nước biển tương đối lên 30 cm và 100 cm, diện tích ngập lụt tối đa có thể chiếm khoảng 69% và 85% của toàn bộ đồng bằng vào năm 2050 và 2100, tương ứng. Tác động của sụt lún đất và nước biển dâng sẽ tăng nguy cơ ngập lụt cả về diện tích và tần suất. Diện tích ngập lụt tối đa có thể lên tới khoảng 35.000 km², chiếm 85% tổng diện tích của đồng bằng sông Mekong vào năm 2100. Do đó, các biện pháp quy mô lớn sẽ giảm thiểu hoặc đối phó với tác động của sự tăng mực nước biển tương đối và các nguyên nhân khác như sụt lún đất và nước biển dâng do bão, những biện pháp này hiện đang cần thiết để duy trì nông nghiệp và giảm thiểu thiệt hại cho cư dân ở đồng bằng sông Mekong.

leftcenterrightdel
Mặt cắt sông, vùng ngập lũ và tác động của hệ thống đê, kênh mương trong phòng chống lũ lụt ở vùng đồng bằng sông Cửu Long và Bản đồ ngập lụt (S1) khi có công trình (đê, hệ thống kênh mương); (S2) khi không có công trình như (đê và hệ thống kênh mương)

Như vậy, có thể khẳng định rằng việc phát triển bền vững của mạng lưới đa kênh sẽ mang lại sự điều chỉnh tối ưu về chu trình nước và mô hình di chuyển cặn bã ở đồng bằng sông Mekong. Điều này có thể góp phần cải thiện sản xuất nông nghiệp và sinh kế trong khu vực, ngay cả trong điều kiện khắc nghiệt của biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Từ các kết quả nghiên cứu đã được trình bày, các thành viên nhóm Nghiên cứu mạnh đã nhận diện được một số vấn đề cần tập trung nghiên cứu trong thời gian tới, liên quan đến việc phát triển nông nghiệp Việt Nam bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường sinh thái.

                                                                        Nhóm NCM Quản lý tổng hợp tài nguyên đất, nước, dinh dưỡng cây trồng